Với giao dịch chuyển khoản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương sẽ phải báo cáo cơ quan chức năng.
Theo Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống rửa tiền vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành có quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, báo cáo giao dịch đáng ngờ...
Cụ thể đối tượng báo cáo có trách nhiệm thu thập thông tin, báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử khi giao dịch chuyển tiền trong nước của các tổ chức tín dụng có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương.
Giao dịch chuyển tiền điện tử có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam có giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương.
Những giao dịch chuyển khoản điện tử trên 500 triệu phải báo cáo cơ quan phòng chống rửa tiền
Trước đó theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị giao dịch có giá trị lớn phải báo Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống rửa tiền, mức giá trị giao dịch phải báo cáo là 300 triệu đồng.
Theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng).
Áp dụng báo cáo với giao dịch chuyển tiền bằng cả VNĐ và ngoại tệ có giá trị tương đương
Việc quy định chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, theo Ngân hàng Nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia…
Ảnh: Tổng hợp