Chú ngựa trắng với tên gọi Bạch Long Mã quen thuộc trong phim Tây Du Ký 1986 nhận kết cục bi thảm dù có công cống hiến 6 năm theo chân đoàn phim.
Ngoài bốn thầy trò Đường Tăng là nhân vật chủ chốt trong phim Tây Du Ký 1986, người xem không thể quên được sự tồn tại của một "nhân vật" đặc biệt, đó chính là chú ngựa trắng mà Đường Tăng cưỡi suốt chặng đường đi Tây Thiên thỉnh kinh.
Theo nguyên tác, Bạch Long Mã là thú cưỡi của Đường Tăng nhưng đồng thời cũng có một giai thoại ly kỳ về chú ngựa trắng này. Được biết, chân thân của Bạch Long Mã vốn dĩ là tam thái tử con của Tây Hải Long Vương. Vì một bước lầm lỡ muốn chuộc tội nên đã được biến thành ngựa trắng để Đường Tăng trên đường.
Năm 1980, đạo diễn Dương Khiết bắt đầu quay Tây Du Ký từ một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Ban đầu, Dương Khiết không xem trọng Bạch Long Mã vì bà cho rằng đây chỉ là một "phương tiện" để Đường Tăng cưỡi. Thời điểm đó, vì đoàn phim không có kinh phí xây dựng khu nuôi nhốt ngựa riêng nên Dương Khiết dự định đi đến đâu sẽ thuê ngựa ở đó để quay hình.
Thế nhưng quá trình tìm kiếm một chú ngựa trắng đã thuần dưỡng ở các địa phương khác nhau là không dễ dàng. Những chú ngựa được đưa đến nếu không phải có bộ lông lấm lem thì lại không đủ hiền lành cho đoàn phim sử dụng. Cuối cùng, đạo diễn Dương Khiết phải đến tận Mông Cổ để tìm được chú ngựa có "khí chất" mà mình ưng ý nhất.
Bạch Long Mã mà Dương Khiết chọn trúng là một chú ngựa thuộc biên chế của đội dân phòng địa phương. Sau khi bị từ chối nhiều lần, Dương Khiết vẫn quyết tâm năn nỉ và bà chấp nhận bỏ ra số tiền 800 tệ để mua lại chú ngựa trắng. Nhờ vậy, Bạch Long Mã trở thành một thành viên của đoàn phim Tây Du Ký 1986 và theo chân mọi người quay hình suốt 6 năm.
Có lẽ vì tiếp xúc lâu với loài người và được huấn luyện để quay phim, Bạch Long Mã giống như có linh tính, luôn hợp tác và rất nghe lời đạo diễn Dương Khiết.
Sau khi Tây Du Ký 1986 lên sóng nhận được sự yêu thích của rất nhiều khán giả và giúp các diễn viên nổi tiếng khắp châu Á, danh tiếng của đạo diễn Dương Khiết ngày càng dâng cao. Về phần Bạch Long Mã, sau khi kết thúc quay phim, chú ngựa trắng được giao lại cho phim trường của Đài Truyền hình CCTV tại Vô Tích (Giang Tô, Trung Quốc).
Đạo diễn Dương Khiết đã dặn dò nhân viên trong phim trường chăm sóc chú ngựa trắng cẩn thận vì nó gắn bó rất nhiều với đoàn phim. Tuy nhiên, nhân viên của phim trường lại làm trái ý của đạo diễn, đưa Bạch Long Mã ra để phục vụ việc chụp ảnh lưu niệm cùng khách tham quan.
Dương Khiết viết trong quyển sách của mình, một lần nọ, vị đạo diễn nổi tiếng có dịp đến Vô Tích nên ghé thăm Bạch Long Mã. Lúc này, chú ngựa trắng muốt, lanh lợi năm nào trở nên yếu kém, sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng. Những chấn thương của Bạch Long Mã trong quá trình quay phim cũng bắt đầu tái phát nên chú ngựa không thể tranh ăn với đồng bọn.
Sau khi Dương Khiết góp ý với nhân viên phim trường, Bạch Long Mã được đưa đến nhốt trong chuồng riêng nhưng không gian cũng rất nhỏ hẹp. Lần sau Dương Khiết đến thăm, Bạch Long Mã không những không khởi sắc mà ngày càng già yếu, gầy gò và bẩn thỉu. Dương Khiết viết trong tự truyện: "Chú ngựa nhìn tôi, sau đó thở dài một cái rồi quay mặt đi, nó không chịu nhìn tôi nữa".
Thời điểm đó, lương của Dương Khiết rất thấp, chỉ đủ sống qua ngày nên không thể giúp Bạch Long Mã có cuộc sống tốt hơn. Bà cố gắng vận động các diễn viên trong đoàn giúp đỡ nhưng chỉ nhận về sự thờ ơ lạnh lùng. Từ câu chuyện của Bạch Long Mã, đạo diễn Dương Khiết cảm nhận được lòng người ấm lạnh. Cuối cùng, Bạch Long Mã qua đời vào năm 1997 vì bệnh tật.