Dù hai người này đã trúng số độc đắc với số tiền rất lớn nhưng họ vẫn chẳng thể hưởng thụ cuộc sống giàu sang một cách trọn vẹn.
Trong cuộc đời, chắc hẳn ai cũng mong muốn được một lần trúng số, đổi đời. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như vậy. Đặc biệt, có những người dù đã trúng số độc đắc nhưng lại chẳng thể nhận được tiền thưởng một cách dễ dàng, thậm chí còn chưa kịp nhận tiền thưởng thì đã nghèo. Đó chính là trường hợp của 2 người đàn ông dưới đây.
Trúng số độc đắc nhưng tờ vé số đã bị nhàu nát
Cách đây hơn chục năm về trước, anh N.V.V (sinh năm 1980 ở Hồng Dân, Bạc Liêu) sống trong cảnh nghèo khó bỗng dưng trúng số độc đắc. Những tưởng rằng số phận của anh từ đây đã thay đổi thì suýt chút nữa anh đã không được hưởng “lộc trời”.
Theo đó, vào cuối tháng 3/2009, anh V đang phơi lúa thì một người bán vé số đi ngang qua nhà mời mua. Thấy họ quá vất vả, phải mưu sinh giữa trời nắng nóng nên anh cũng rút tờ 5.000 đồng để mua một tờ vé của đài Sóc Trăng. Sau đó, anh nghĩ mình cũng chẳng hy vọng vào trò chơi may rủi này nên nhét tờ vé số vào túi áo đang mặc và không để tâm đến nữa.
Thế nhưng, không ngờ rằng, sang đến ngày hôm sau, anh được người vé số thông báo rằng đã trúng giải độc đắc 125 triệu đồng. Anh V. từng tâm sự rằng: “Tờ vé số độc đắc của tôi do bị thấm nước và vò nát nên bị rách nhàu nhiều chỗ. Nhưng nó vẫn còn đầy đủ các con số trúng thưởng ở hai góc. Lúc đó tôi bán tín bán nghi mình sẽ không được nhận tiền vì sai với quy định của công ty xổ số. Dẫu vậy tôi vẫn le lói hy vọng người ta thương tình mình nghèo khổ mà châm chước, bỏ qua “sự cố” ấy vì các con số vẫn còn”.
Sau đó, anh V đem tờ vé số đến Công ty Xổ số Kiến thiết Sóc Trăng với tâm trạng thấp thỏm lo âu. Tuy nhiên, công ty từ chối trao thưởng cho anh với lý do rằng tờ vé số đã bị rách. Anh cố gắng nài nỉ, thậm chí còn đem theo các giấy tờ tùy thân để chứng minh rằng gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, chính sách, bản thân không sử dụng vé số giả để lừa bịp. Tuy nhiên, công ty vẫn quyết làm theo quy định, không thể chiếu cố cho bất kỳ trường hợp nào.
Nài nỉ không thành, anh V quyết định gửi đơn khiếu nại lên công an tỉnh. Công ty xổ số lúc này cũng đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh giám định tờ vé số của anh V.
Sau 3 tháng, Phòng kỹ thuật hình sự gửi kết quả giám định cho hai bên. Tờ vé số mặc dù rách nát nhưng các chữ số trên đó là thật, không hề bị tẩy xóa hay sửa chữa. Tuy nhiên, công ty xổ số vẫn không đồng ý, bởi nếu công ty cho anh V lĩnh thưởng thì sẽ “ bất công với các khách hàng trước đây bị trường hợp tương tự, đồng thời cũng tạo nên một tiền lệ xấu”.
Không chấp nhận, anh V tiếp tục kiện công ty xổ số ra tòa. Đến ngày 13/8/2012, TAND TP Sóc Trăng chấp nhận đơn khởi kiện của anh V, công ty xổ số phải trả 125 triệu đồng cùng với 32 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, công ty xổ số kháng cáo.
Đến ngày 7/12/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên công ty xổ số phải trả anh V 125 triệu đồng tiền thưởng và không phải trả lãi vì tờ vé số đã bị nhàu. Anh V đồng ý.
Tuy nhiên, việc anh V đã nhận được số tiền thưởng đó hay chưa thì không rõ, chỉ biết hai vợ chồng anh vẫn tần tảo làm ăn.
Trở thành đại gia nhưng chỉ vỏn vẹn 21 ngày
Đó là trường hợp của ông Vương Sỹ Cầm (sinh năm 1949, ở Hà Nội). Ông làm nghề thầy thuốc nam. Tuy nhiên, toàn bộ tài sản mà hai vợ chồng vất vả làm ăn, 20 cây vàng lại bị một người bạn lừa mất. Cũng từ đó, ông sinh bệnh nặng, tóc, lông mày, lông mi gần như rụng hết. Giữa lúc bi cực ấy, thần may mắn đã ghé thăm ông.
Vào một buổi sáng đẹp trời của tháng 9/1995, có 4 cô giáo ngoại ngữ đến nhà thăm bệnh. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, cả 4 người đều không có bệnh gì, ông biếu mỗi người 1 nắm lá thuốc về đun uống. Các cô giáo vui vẻ gửi tiền công nhưng ông không nhận vì không tốn công sức gì. Vì vậy, 4 cô đã đặt 40.000 đồng dưới tờ báo trên bàn.
Cùng ngày, ông Cầm lại nhận được thông tin một người thân ở Quốc Oai bị ngã giàn giáo gãy chân nhờ ông về bó thuốc. Ông không quản ngại đường sá xa xôi chạy về. Ông kể lại rằng: “Tôi băng bó xong xuôi mọi thứ thì bà vợ hỏi tiền công như thế nào? Tôi cười bảo chỉ lấy tiền mua lá là 80.000 đồng, còn lại biếu chú ấy. Bà vợ cứ loay hoay tìm tiền, ngại ngùng bảo cả nhà chỉ còn 40.000 đồng. Tôi thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình nên vui vẻ cầm số tiền đó về nhà”.
Trên đường về, lúc đi qua khu vực Đại Mỗ, Từ Liêm, ông lại gặp 4 người bạn học cũ. Cả 5 người rủ nhau đi uống nước. Lúc này, có một ông lão bán vé số lại mời mua. Ông thấy tội nên mua giúp.
Ông Cầm kể: “Tôi mua 3 tờ vé số với mục đích giúp đỡ ông lão bán vé số sớm hết hàng được trở về với gia đình chứ không hề nghĩ đến chuyện sẽ gặp vận may. Vì thế tối đó chương trình quay số trên đài Hà Nội diễn ra nhưng tôi không bận tâm.
Tôi đang lúi húi nấu cơm dưới bếp thì nghe thấy trên ti vi nói vọng xuống mấy con số. Tôi nhẩm lại liền giật mình khi thấy giải đặc biệt trùng với những số trên tờ vé mà mình mua lúc chiều. Tôi bỏ dở việc đang làm, chạy lên nhà ngó xem như thế nào thì chương trình quay số kết thúc. Tôi đợi 15 phút sau trên truyền hình trung ương phát lại kết quả xổ số và vỡ òa khi cả 3 tờ đều giải độc đắc”.
Số tiền ông Cầm lĩnh về lên đến 200 triệu đồng, thế nhưng lại toàn tiền lẻ. Thế nên, lúc ông cầm tiền về là đến vài bao tiền.
“Có tiền tôi đem trả nợ rồi sắm cho thằng con trai đầu chiếc xe máy làm phương tiện đi học đại học. Số tiền còn lại tôi chia thành từng bọc nhỏ giấu vào góc kín trong nhà và cầm một ít đem về quê xây lại mộ tổ tiên.
Vào đúng ngày tôi về quê thì nhà bị cháy do thằng út đi chơi điện tử không tắt các thiết bị điện đang sử dụng. Tôi nghe tin tức tốc chạy lên nhưng tất cả đã hóa tro bụi”.
Số tiền trúng số cũng cháy, chỉ còn lại đúng 10 triệu đồng. Gia đình ông lại rơi vào cảnh tay trắng. Lúc này, ông lại được những người ông từng chữa bệnh miễn phí giúp đỡ. Họ quyên góp người thì tiền, người thì công sức sửa lại nhà cho ông.
Còn số tiền 10 triệu còn sót lại, ông Cầm lại đầu tư mua thêm máy thái, máy nghiền, máy ve để làm thuốc chữa bệnh cứu người.