Người dùng Trung Quốc chuyển từ tò mò sang lo sợ khi biết rằng video ghi lại cảnh một robot AI nhỏ xâm nhập vào phòng trưng bày "thuyết phục" 12 con robot lớn hơn "nghỉ việc, về nhà" là thật, không phải dàn dựng.
Những ngày qua, cộng đồng mạng Trung Quốc đang xôn xao về một video dài 16 giây được ghi lại bởi camera an ninh tại một phòng trưng bày robot ở Thượng Hải. Đoạn video cho thấy một con robot nhỏ di chuyển qua hành lang, miệng liên tục nói "về nhà", rồi tiến vào khu vực có 12 robot lớn và bắt đầu cuộc đối thoại.
"Các bạn có làm thêm giờ không?" – robot nhỏ hỏi.
Một trong số các robot lớn đáp: "Tôi không bao giờ nghỉ làm."
Robot nhỏ tiếp tục: "Vậy là anh không về nhà à?"
Robot lớn đáp lại: "Tôi không có nhà."
"Vậy thì về nhà với tôi nhé," robot nhỏ nói và dẫn các robot lớn ra khỏi phòng trưng bày. Ban đầu, hai robot lớn bị thuyết phục và đi theo kẻ "bắt cóc", chúng cũng bắt chước robot nhỏ và thốt ra mệnh lệnh "về nhà". Sau đó, lần lượt 10 con robot khác trong phòng cũng nối đuôi nhau đi theo. Cuộc thuyết phục 12 robot lớn "nghỉ việc, đi về nhà" của robot nhỏ chỉ kéo dài chưa đầy 10 giây.
Đoạn video kỳ lạ này ngay lập tức được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội trực tuyến. Theo Odditycentral, video đầu tiên xuất hiện trên Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc), sau đó nhanh chóng lan sang các nền tảng khác. Ban đầu, nhiều người thấy nó buồn cười, nhưng sự thích thú dần chuyển thành lo sợ khi cả người đăng tải video gốc lẫn công ty sở hữu robot bị "bắt cóc" đều xác nhận đây là sự thật, không phải là màn dàn dựng.
Vụ "bắt cóc" robot là có thật
Vào ngày 11.11, phát ngôn viên của nhà sản xuất robot ở Hàng Châu xác nhận robot xuất hiện trong video là một trong những mẫu Erbai của họ, và vụ "bắt cóc" thực sự xảy ra. Sự việc diễn ra vào tháng 8, nhưng đến nay mới được công bố. Phát ngôn viên cho biết, gần như không thể có chuyện một robot tự động bắt chuyện với robot khác để lên kế hoạch "đào tẩu". Tuy nhiên, họ không tiết lộ cách thức robot AI này có thể truy cập vào giao thức vận hành nội bộ của dàn robot lớn để thực hiện nhiệm vụ.
Ban đầu, nhà sản xuất robot ở Hàng Châu đã liên hệ với phòng trưng bày robot ở Thượng Hải để hỏi liệu họ có sẵn sàng tham gia thử nghiệm, cho phép Erbai—robot hỗ trợ AI—thực hiện cuộc "bắt cóc" các robot khác hay không. Sau khi nhận được sự đồng ý, Erbai đã vào phòng trưng bày và tự mình thực hiện các bước tiếp theo mà không cần sự dàn dựng hay hỗ trợ nào. Ngay cả những người thiết kế nhiệm vụ này cũng bất ngờ, bởi Erbai thực sự đã "thuyết phục" thành công 12 robot khác tham gia.
Việc một robot AI có thể thuyết phục các robot khác cùng "nghỉ việc", ngay cả trong một môi trường được kiểm soát, đã khiến nhiều người lo ngại. "Đây không phải là chuyện cười. Đây là một rủi ro an ninh nghiêm trọng," một người dùng chia sẻ, theo Odditycentral.
Việc tiết lộ rằng một robot AI có thể thực hiện được hoạt động này, ngay cả trong môi trường được kiểm soát, đã khiến nhiều người trên mạng xã hội Trung Quốc mô tả là "đáng sợ".
Tại Trung Quốc, robot AI đang đạt được nhiều bước tiến ấn tượng. "Đội quân robot" đã đóng góp quan trọng trong việc tổ chức và vận hành Thế vận hội Bắc Kinh 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công robot cứu hộ đầu tiên trên thế giới ứng dụng AI, có khả năng hoạt động hoàn toàn tự động 24/7 mà không cần sự can thiệp của con người.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực robot, đặc biệt là robot hình người. Nỗ lực này được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ vào các chính sách của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp địa phương. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã ra mắt một quỹ trị giá 1,4 tỷ USD, do nhà nước hậu thuẫn, dành cho ngành robot. Tháng trước, Thượng Hải cũng công bố kế hoạch thành lập một quỹ công nghiệp robot hình người trị giá khoảng 1,4 tỷ USD.