- Chị Đỗ Thị Hoa ở Hưng Yên đã được vinh dự tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 nhờ cây thơm như nước hoa, quý như vàng thu về gần 5 tỷ đồng/năm.
Nghề trồng và chế biến dược liệu là một nghề không hề mới mẻ nhưng lại có thể mang lại một thu nhập khủng cho những người nông dân. Nổi bật, chị Đỗ Thị Hoa ở Hưng Yên đã được vinh dự tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 nhờ cây thơm như nước hoa, quý như vàng.
Sinh ra tại "làng dược liệu" Nghĩa Trai, chị nông dân kiếm tiền tỷ nhẹ nhàng
Nghề trồng và chế biến dược liệu ở làng Nghĩa Trai đã trải qua biết bao thăng trầm. Tuy nhiên, tự bao đời nay, người dân nơi đây vẫn tận dụng từ những thửa ruộng lớn, mảnh vườn nhỏ đến những phần đất trống ven đường để trồng dược liệu.
Tại quê hương chị Hoa, từ người già đến trẻ nhỏ, chỉ cần ngửi là họ cũng phân biệt được là vị thuốc gì. Đặc biệt, ngoài mùi thơm "nước hoa" của hàng chục loại dược liệu, ai đến đây cũng phải giật mình với những âm thanh chát chát, bụp bụp được phát ra của việc bào chế, băm nhuyễn thuốc.
Không ngừng học tập và phát triển sản xuất dược liệu với quy mô lớn tại quê hương, chị Hoa ở độ tuổi 60 vẫn toát lên được sự trẻ trung, năng động và tràn đầy năng lượng. Về bí quyết làm giàu thành công nhờ trồng cây dược liệu, chị Hoa cho hay khi còn bé thường theo cha mẹ ra đồng trồng dược liệu và cũng vì thế tình yêu với các cây dược liệu từ đó mà "sinh sôi, nảy nở".
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Hoa chia sẻ trong đầu luôn mong muốn thoát khỏi cảnh đi làm thuê, muốn tự mở cho mình một cơ sở trồng và chế biến dược liệu. Rồi những khó khăn ban đầu cũng đã giúp chị gặt hái được thành công.
Để có đất trồng dược liệu, chị sẽ phải "lùng sục" khắp khơi để thuê hoặc liên kết với các nông dân. Có đất rồi nhưng phải hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Nhìn chung, mọi thứ đến cũng chẳng dễ dàng gì. Nhờ những quyết đoán cùng với hướng đi đúng đắn, hiện cơ sở của chị Hoa đã liên kết được trên 20 ha trồng hoa cúc chi ở huyện Văn Lâm, Kim Động.
Sắp tới, chị sẽ mở rộng thêm các cơ sở tại các huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và ở tỉnh Hà Giang... Sản lượng mỗi năm đạt từ 100.000 tấn đến 200.000 tấn dược liệu. Nổi bật, trong năm 2023, lợi nhuận mà mô hình của chị đạt 4,5 tỷ đồng.
Nhận thấy mô hình trồng cây dược liệu có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nguyễn Mạnh Quỳnh, 30 tuổi, là người con trai thứ hai của chị Hoa cũng đã về bắt tay làm việc cùng mẹ. Anh cũng vì thế mà bỏ công việc ổn định với mức thu nhập tốt ở Hà Nội.
Không chỉ mang lại giá trị cho bản thân, chị Hoa còn giúp tạo điều kiện cho 15 lao động địa phương có thu nhập 16 đến 18,5 triệu đồng/tháng và hàng trăm lao động làm việc thời vụ tại cơ sở của chị.
Tầm quan trọng của dược liệu trong việc chăm sóc sức khỏe
Dược liệu là một cái tên gắn liền với đời sống của nhân dân ta từ hàng ngàn đời nay. Nó chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của con người và nền kinh tế nước nhà. Hiện nay, Việt Nam ghi nhận có trên 5.000 loài thực vật, nấm và có trên 400 loài động vật, 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc.
Ở hầu khắp các vùng miền, người dân đều có sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa một số bệnh thông thường. Điều này đang trở thành xu hướng và được rất nhiều người bệnh quan tâm bởi độ an toàn, lành tính cũng như nguồn nguyên liệu phong phú.
Không chỉ quen thuộc với người dân, dược liệu còn đóng một vai trò quan trọng trong hệ hệ thông y tế, cụ thể đó là ngành sản xuất thuốc. Chỉ tính riêng về các loại thảo dược, theo thống kê chưa đầy đủ của Tổ chức Y tế thế giới, có hơn 21.000 loài cây cỏ được các dân tộc ở trên thế giới dùng làm thuốc.