Nhiều người đồn đoán rằng hát karaoke sau khi uống bia, rượu sẽ giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơn, nhưng liệu tin đồn này có chính xác?
Vào mỗi dịp lễ, tết, liên hoan hay họp mặt, nhiều người thường chọn đến quán karaoke để giải trí và uống bia, rượu. Từ đó, trên mạng xã hội lan truyền nhau tin đồn rằng hát karaoke sau khi uống bia, rượu sẽ giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơn. Trước nghi vấn này, nhiều người bày tỏ sự quan tâm và thắc mắc liệu tin đồn có chính xác.
Trả lời cho câu hỏi này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã có những lý giải:
Thông thường, khi uống bia, rượu, nồng độ cồn trong máu mỗi người sẽ dần đạt đỉnh trong khoảng từ 1 đến 1,5 giờ. Sau đó, lượng cồn trong máu giảm dần từ từ cho đến khi được đào thải hoàn toàn. Theo nhiều nghiên cứu, nồng độ cồn từ khi hấp thu đến lúc đào thải diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, lượng rượu bia uống vào, thức ăn trong ruột…
Thế nên, chuyện người đào thải nồng độ cồn nhanh, người đào thải chậm là chuyện hết sức bình thường. Lượng cồn sẽ được đào thải chủ yếu qua đường nước tiểu, một lượng nhỏ khác trong cơ thể đào thải qua mồ hôi và hơi thở.
Vì vậy, nếu chúng ta duy trì hoạt động thông khí như hát karaoke hoặc cười nói, đùa giỡn, cơ thể sẽ đào thải nồng độ cồn nhanh hơn. Hoạt động này sẽ giúp quá trình thông khí được tăng, nồng độ cồn cũng giảm thiểu nhanh hơn khi bạn im lặng hay ngồi gục một chỗ. Trong một không gian cách âm tốt, không làm việc đến người khác, bạn có thể hát 4-5 ca khúc để đào thải lượng cồn, từ đó giảm nồng độ cồn trong cơ thể nhanh hơn sau khi uống rượu, bia.
Bên cạnh đó, để hạn chế tác hại của bia, rượu đối với cơ thể, bạn nên sử dụng ít, đồng thời ăn đủ chất, tuyệt đối không nên nhịn đói lúc tiêu thụ đồ uống có cồn. Khi có cảm giác cơ thể thiếu hụt nước dẫn đến say rượu, bạn nên uống nhiều nước lọc để giải rượu trong cơ thể, duy trì được tình trạng tỉnh táo.
Ảnh: Tổng hợp