Để ép các nhân viên phải chủ động nghỉ việc, công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để làm khổ nhân viên khiến cho không ai có thể chịu đựng được.
Tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, một công ty quảng cáo đã bị "vạch trần" chiêu trò ép nhân viên nghỉ việc khiến nhiều người chú ý.
Theo lời anh Chang - một nạn nhân của những chiêu trò, cho biết công ty vốn có trụ sở tại khu vực trung tâm thành phố. Nhưng xách đây ít ngày, công ty đột ngột ra thông báo chuyển văn phòng đến ngôi làng nhỏ thuộc khu vực núi Tần Lĩnh cách trung tâm thành phố 2 giờ lái xe.
Ban đầu công ty có trụ sở tại Thiểm Tây hiện đại
Để có thể di chuyển đến đây, chỉ có một phương tiện công cộng duy nhất là xe bus, nhưng tần suất rất ít ỏi, 3 tiếng mới có một chuyến. Không chỉ vậy, khi tới trạm xe bus cuối cùng, nhân viên sẽ phải đi bộ thêm 3km mới tới nơi làm việc. Nếu không muốn đi bộ, nhân viên phải tự chi trả thêm 50 - 60 tệ (khoảng 170.000 - 200.000 đồng) tiền đi taxi.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại, nhân viên còn phải làm việc tại nơi có cơ sở hạ tầng vô cùng xập xệ. Toàn bộ nhân viên phải chen chúc làm việc trong căn phòng cũ nát không nơi ăn chốn nghỉ ở tầng 2.
Thậm chí văn phòng không có nhà vệ sinh riêng. Các nhân viên nữ phải đi bộ một quãng đường dài để được sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại ngôi làng gần nhất. Điều này đã gây ra rất nhiều bất tiện, gây ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người nên công việc cũng không còn hiệu quả như trước.
Những sau đó lại chuyển đến vùng nông thôn hẻo lánh
Anh Chang cho biết: "Đồng nghiệp tôi không có phương tiện đi lại, đa phần phải đi bus. Điều này không chỉ bất tiện mà còn khiến mọi người lo ngại về vấn đề an toàn. Bởi khi tan ca về nhà, trời tối rất nhanh, đèn đường ở đây không quá nhiều và chó hoang ở đây thì rất đông. Chúng thường đuổi theo người lạ và nhân viên thường là mục tiêu".
Dưới điều kiện làm việc quá "khắc nghiệt", 14 trong số hơn 20 nhân viên đã ký đơn từ chức sau những lần kiến nghị không thành. Vì chủ động nghỉ việc nên nhân viên không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào từ phía công ty, đồng thời cũng không có khoản thưởng Tết.
Đáng nói, chỉ 4 ngày sau khi nhiều nhân viên cũ nộp đơn nghỉ việc, công ty lập tức chuyển về trung tâm thành phố và tiến hành tuyển dụng nhân viên mới. Khi nghe được thông tin, anh Chang và các đồng nghiệp cũ đã quyết định "bóc phốt" công ty. Họ cho rằng công ty đang cố tình dùng chiêu trò chèn ép nhân viên nghỉ việc để không phải bồi thường hợp đồng.
Văn phòng trước và sau khi bị chuyển về vùng núi hẻo lánh
Đáp lại, phía công ty đưa ra lời giải thích rằng: "Vì giá thuê của khu trung tâm thương mại quá cao nên văn phòng phải tìm địa điểm mới. Do cuối năm quá gấp không tìm được chỗ thuê nên phải chuyển tạm về khu nhà trọ cũ của lãnh đạo tại vùng núi Tần Lĩnh. Dự kiến chỉ trong thời gian ngắn khoảng 1 tuần là chuyển về".
Tuy nhiên toàn bộ nhân viên lại cho biết, họ nhận thông báo sẽ phải làm việc trong điều kiện như vậy trong thời gian dài, có thể phải sang năm mới chuyển về nên mới đồng loạt nghỉ việc. Bởi nếu biết chỉ chịu đựng 1 tuần thì họ vẫn hoàn toàn có thể chấp nhận và thông cảm cho công ty.
Vụ việc sau khi chia sẻ đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Không ít người để lại bình luận, gợi ý các nhân viên kiểm tra hợp đồng có ghi rõ điều kiện địa điểm làm việc hay không. Cũng có không ít ý kiến cho rằng vị mọi người đã chủ động nghỉ việc nên để yêu cầu bồi thường sẽ rất khó khăn.