Chuyến bay 990 của hãng hàng không Egypt Air bất ngờ lao xuống biển khiến 217 người thiệt mạng đến nay vẫn là điều bí ẩn sau 23 năm.
Ngày 31/10/1999, chuyến bay 990 của hãng hàng không Egypt Air xuất phát từ Los Angeles, sau khi quá cảnh ở New York rồi bay thẳng đến thủ đô Cairo của Ai Cập. Tuy nhiên, giữa hành trình, chiếc máy bay này bất ngờ lao thẳng xuống Đại Tây Dương dẫn đến thảm kịch khiến 217 người có mặt trên máy bay thiệt mạng.

Theo kết luận điều tra cuối cùng được phân tích từ hộp đen cho thấy có người đã chủ động điều khiển máy bay lao xuống biển. Nhân vật này được xác định là cơ phó Gameel Al-Batouti . Tuy nhiên, không ai có thể tìm ra được động cơ khiến cơ phó Al-Batouti tuyệt vọng đến mức lựa chọn hành động cực đoan này. Đến nay, dù đã 23 năm trôi qua nhưng vụ tai nạn chuyến bay 990 vẫn mãi là bí ẩn.
Vị trí máy bay rơi nằm ở vùng biển quốc tế (cách đảo Nantuket , bang Massachussets 100 km) nên trách nhiệm điều tra thuộc về Cơ quan Hàng không Dân sự Ai Cập (ECAA ). Tuy nhiên, ECAA không đủ phương tiện nên phải nhờ đến Cơ quan An toàn Hàng không quốc gia Mỹ (NTSB) vào cuộc hỗ trợ.


Tuy nhiên, sau 2 tuần thì ECAA nhận được tin FBI (cảnh sát Liên bang Mỹ) gia nhập cuộc điều tra vì nghi ngờ có yếu tố hình sự. ECAA kiên quyết phản đổi vì động thái này đã gián tiếp xúc phạm đến nhân phẩm và đạo đức nghề nghiệp của tổ bay Ai Cập. Dù vậy, NTSB vẫn điều tra theo chiều hướng có sự can thiệp của con người trong vụ tai nạn thảm khốc.
Từ dữ liệu hộp đen, đội điều tra không tìm thấy bất kỳ sự cố kỹ thuật nào từ hệ thống là nguyên nhân ngộ nạn. Sau khi nghe đoạn băng ghi âm buồng lái vào thời điểm trước khi xảy ra vụ việc, họ phát hiện tiếng ngắt động cơ máy bay, bao gồm cả thiết bị bay tự đồng , âm thanh điều chỉnh hệ thống bánh lái đuôi máy bay.

Ngoài ra, trước khi máy bay rơi xuống biển, cơ phó Al-Batouti không ngừng lẩm bẩm cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập 11 lần. Nội dung câu cầu nguyện là: "Con tin tưởng Thượng Đế" hay "Xin phó thác mạng sống của con cho Thượng Đế". Không những vậy, tiếng xô xát giữa 2 người đàn ông, được cho là giữa cơ phó Al-Batouti và cơ trưởng Al-Habashi nhằm giành quyền điều khiển máy bay.

Khác với kết luận bên trên, phía ECAA cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ hệ thống kiểm soát bánh lái phía đuôi. Sự việc tương tự từng xảy ra trong quá khứ nhưng không gây thiệt hại nặng nề như chuyến bay 990. ECAA khẳng định vụ tai nạn thảm khốc không phải xuất phát từ cơ phó Al-Batouti .

Sau 2 năm điều tra, phía NTSB đưa ra tuyên bố cuối cùng vào ngày 21/3/2002: "Chúng tôi xác định nguyên nhân gây ra tai nạn chuyến bay 990 của hãng hàng không Egypt Air là do cơ phó tác động vào hệ thống kiểm soát máy bay. Động cơ của cơ phí không được làm rõ".
Được biết, cơ phó Al-Batouti (59 tuổi) là phi công dày dặn kinh nghiệm, gắn bó với Egypt Air gần như nửa cuộc đời. Thời điểm xảy ra tai nạn, ông chỉ còn 6 tháng nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của ngành.
Không ai biết nguyên nhân khiến cơ phó Al-Batouti phải hành động cực đoan gây nên cái chết của 217 người. Sau này, một người đồng nghiệp đã tiết lộ nghi vấn liên quan đến việc cơ phó Al-Batouti muốn trả thù một quan chức hàng không Ai Cập.

Tờ Los Angeles Times dẫn lời Hamdi Hanafi Taha - cựu phi công của Egypt Air đã tiết lộ sự thật. Theo Taha, ít giờ trước khi chuyến bay 990 cất cánh, Hatem Rushdy đã thông báo đến Al-Batouti rằng đây là chuyến bay tuyến Los Angeles - Cairo cuối cùng trong sự nghiệp của ông vì Al-Batouti bị tố cáo tội quấy rối tình dục.

Taha chia sẻ đây là một hình thức giáng chức và gây nên thảm họa tài chính cho Al-Batouti . Vì được biết cơ phó 59 tuổi cải thiện đời sống bằng cách mua hàng ở Los Angeles, New York đưa về Ai Cập để bán kiếm lời. Nếu không còn bay tuyến này đồng nghĩa nguồn thu nhập cố định của ông mất đi. Hơn nữa, Al-Batouti lại sắp nghỉ hưu - giai đoạn cần sử dụng nhiều tiền hơn. Hatem Rushdy cũng có mặt trên chuyến bay này nên Taha cho rằng Al-Batouti đã nảy sinh ý định trả thù cực đoan.
Phía chính phủ Ai Cập bác bỏ suy đoán của Taha và cho rằng người này không biết gì về chuyến bay 990. Họ bảo vệ Al-Batouti cho rằng ông không có cơ sở để tự tử vì Al-Batouti là một người ngoan đạo mà theo đạo Hồi thì hành động tự tử là điều cấm kỵ. Chính vì những ý kiến khác nhau khiến vụ việc đến nay vẫn là một bí ẩn.
Ảnh: Tổng hợp