Nhiều người cảm thấy bối rối, thậm chí có ý định chỉ trích chú rể vì món quà này.
Hôn nhân là một sự kiện trọng đại trong đời, và ai cũng mong muốn ngày ấy thật ngọt ngào, hạnh phúc, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Gần đây, một khoảnh khắc trong đám cưới của cặp đôi ở Hà Nam (Trung Quốc) đã khiến cư dân mạng ghen tị.
Trong buổi lễ, cô dâu và chú rể đang đứng trên sân khấu. Đột nhiên, chú rể bất ngờ lấy một chiếc tạp dề và tặng cho cô dâu, khiến toàn bộ khách mời có mặt tại bữa tiệc bối rối, không biết anh chàng muốn nói gì. Tạp dề thường được xem là biểu tượng của công việc nội trợ, liệu có phải chú rể đang có ý định biến cô dâu thành một bà nội trợ?
Trước cảnh tượng xôn xao, MC đám cưới nhanh chóng tiến đến và hỏi lý do vì sao lại tặng vợ tạp dề. Chú rể ngay lập tức đáp với cô dâu: “Bởi vì anh muốn em hiểu rằng anh cưới em làm vợ chứ không phải một người giúp việc.” Sau đó, anh nhờ vợ đeo tạp dề cho mình.
Khi nghe chồng đề nghị, cô dâu vừa thấy buồn cười vừa cảm động. Toàn bộ gia đình hai bên và khách mời cũng thể hiện sự thích thú, cùng vỗ tay tán thưởng hành động của chú rể.
Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, khoảnh khắc này đã thu hút nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng. Phần lớn là những lời khen ngợi và chúc phúc cho cặp đôi, nhưng cũng không ít ý kiến hoài nghi về tương lai hôn nhân: “Bây giờ mới cưới thì thế thôi, xem được bao lâu!”, “Sau đó thì người vợ vẫn phải đeo tạp dề thôi”,...
Trước những ý kiến trái chiều, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng phản bác. Họ cho rằng ít nhất tại thời điểm này, người chồng đã nghĩ đến những khó khăn mà vợ sẽ gặp. Cuộc sống hôn nhân trọn vẹn cần sự nỗ lực từ cả hai phía, đòi hỏi sự thấu hiểu và bao dung lẫn nhau.
- Quan trọng nhất là tấm lòng của người chồng. Cả hai cùng nhau làm việc nhà và quan tâm đến nhau là đủ.
- Ít nhất trong đầu chú rể cũng đã có nhận thức về việc hỗ trợ vợ làm việc nhà, không chỉ dựa dẫm hoàn toàn vào cô ấy.
- Chồng tôi đã làm tất cả việc nhà trước khi chúng tôi cưới. Sau hôn lễ, anh ấy vẫn tiếp tục làm mọi việc, kể cả nấu ăn và rửa bát.
- Điều người đàn ông muốn thể hiện là anh yêu thương, chăm sóc ngay cả khi đã cưới, không muốn vợ phải gánh trách nhiệm nhà cửa một mình.
- Tôi thấy ghen tị với cô dâu khi có một người chồng biết nấu ăn và sẵn sàng vào bếp.
- Dù gia đình có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai, nhưng thái độ là rất quan trọng.
- Những người đàn ông như vậy thật đáng quý. Dù sau này có thực sự làm việc nhà hay không, ít nhất anh ấy cũng có dũng khí để nói ra trước mọi người. Trong ý thức của mình, anh tin rằng việc nhà không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ.
Nhân dịp này, cư dân mạng cũng bàn luận về việc tặng tạp dề cho cô dâu trong đám cưới. Thực tế, đây là một phong tục ở nhiều địa phương tại Trung Quốc, với quan niệm rằng tạp dề trong đám cưới tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng. Cô dâu đeo tạp dề với mong muốn có một cuộc sống hôn nhân viên mãn. Ngoài ra, việc đeo tạp dề còn thể hiện đức hạnh, cần cù và vai trò quan trọng của người vợ, người mẹ.
Cùng với việc tặng tạp dề, một số địa phương cho rằng hành động này còn mang ý nghĩa bảo vệ thế hệ tương lai, là lời chúc về việc duy trì và phát triển nòi giống. Nhìn chung, đây là lời chúc phúc cho hôn nhân và những kỳ vọng tốt đẹp về cuộc sống mới, hoàn toàn không nhằm tạo áp lực hay gánh nặng cho cô dâu.
Vì vậy, nhiều người cũng cho rằng trong tình huống này, dù là cô dâu hay chú rể đeo chiếc tạp dề đều mang ý nghĩa tốt đẹp, chủ yếu phụ thuộc vào cách nhìn nhận của người tiếp nhận thông tin.