Việc tặng những bó hoa tiền trong những ngày lễ, đặc biệt dịp lễ 8/3 đã không còn xa lạ nhưng mới đây nhiều người mới "ngã ngửa" khi biết sự thật đằng sau.
Những dịp lễ đặc biệt dành cho phụ nữ, tiêu biểu như hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, hoa thường là một trong những món quà phổ biến nhất. Nhu cầu tiêu thụ hoa tăng cao vào những ngày này khiến không chỉ hoa tươi mà ngày càng có nhiều loại hoa khác ra đời như hoa làm từ giấy, hoa vải... hay thậm chí là "hoa tiền".
Theo đó, những năm gần đây, hoa tiền rộ lên như một trào lưu được nhiều người ưa chuộng. Hoa tiền là những bó hoa được kết từ tiền thật với nhiều mệnh giá khác nhau, trong đó có cả tờ tiền mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng.
Bó hoa sáng tạo và cũng đầy tính "thực tế" này vì thế là món quà được nhiều người yêu thích. Thế nhưng ít ai biết rằng, việc dùng tiền là hoa như thế cũng có hệ lụy riêng, thậm chí còn có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Theo đó, các bó hoa này được làm từ các đồng có mệnh giá từ nhỏ đến lớn với chất liệu bằng tiền giấy hoặc tiền Polime. Những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại để sau đó xếp lại thành bó hoa tiền đẹp mắt. Tuy nhiên, việc dùng vật nhọn và các chất bám dính cao như keo dán sắt trong lúc kết hoa sẽ dễ dẫn đến rách, biến dạng.
Điều này cũng có khả năng gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ. Dù không cố ý nhưng việc làm vô tình này được cho là có khả năng vi phạm pháp luật. Theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), dưới góc độ pháp lý, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003 của Thủ tướng về bảo vệ tiền Việt Nam có nhấn mạnh, nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: Xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền... Như vậy, dù pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam. Thế nhưng nếu trong quá trình làm hoa bằng tiền mà phải cắt, xé, đâm, chọc,… dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Ảnh: tổng hợp