Sự việc một chàng trai bị chỉ trích vì không nhường hàng cho hai cô gái tạo nên những tranh luận trên mạng xã hội.
Mới đây trên diễn đàn mạng, một nam thanh niên chia sẻ câu chuyện bị "chửi" vì không nhường hàng cho hai cô gái khiến nhiều người bàn luận. Cụ thể anh chàng cho biết đi mua cà phê, thời điểm đó quán đông nên phải xếp hàng. Trong lúc đó phía sau có hai cô gái đứng phía sau hỏi: "Anh ơi, em bị đau bụng, anh có thể cho em lên trước mua trước không ạ?".
Chàng trai lúc đó không nói gì vì cũng có việc bận. Tuy nhiên hai cô gái tiếp tục gọi ngỏ lời muốn lên trước. Sau đó nam thanh niên trả lời: "Bạn ơi, mình cũng bận bạn à, mình đứng xếp hàng trước nên bạn chịu khó đợi 2-4 phút nhé".
Câu chuyện nhường chỗ tại một quán cà phê được chia sẻ thu hút sự quan tâm bàn luận (Ảnh minh hoạ)
Sau khi vừa dứt câu, chàng trai bị hai cô gái có ý lườm nguýt, thái độ hậm hực chỉ trích "đàn ông không biết nhường phụ nữ", đồng thời sử dụng những từ ngữ khá nặng nề. Tuy nhiên anh chàng này không muốn đôi co gì thêm nên tiếp tục đợi mua hàng và rời đi.
"Lạ thật, mình thấy 2 bạn ấy khá trẻ, mình đoán cuối cấp 3 hoặc những năm đầu của đại học thôi nhưng cảm thấy văn hóa xếp hàng, ứng xử…của các bạn này chắc chắn có vấn đề. Các bạn bảo mình ngoa , bảo mình thế nào cũng được, mình thấy đúng thì mình cứ làm! Sao mình phải nhường nhịn cho những cái thói hư, tật xấu, cho những cái sai nhỉ" - Chàng trai chia sẻ.
Câu chuyện này sau khi được chia sẻ nhận về nhiều ý kiến bàn luận từ cư dân mạng. Nhiều người cho rằng đàn ông không phải lúc nào cũng nên và phải nhường phụ nữ, tùy trường hợp để có xử lý phù hợp. Đồng thời những người phụ nữ không được nhường không có quyền quay sang mắng chửi.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng anh chàng trong câu chuyện này có thể nhẹ nhàng nhường hai cô gái thì mọi chuyện sẽ không trở nên quá căng thẳng như vậy.
Văn hoá nhường chỗ cho người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai...là nét đẹp nơi công cộng (Ảnh minh hoạ)
Trên thực tế, trong những văn hoá ứng xử thường ngày, có những đối tượng được ưu tiên nhường chỗ ở nơi công cộng như: trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai...Mọi sự nhường nhịn đều xuất phát từ sự tự nguyên và ý thức được về văn hoá ứng xử nơi công cộng.