Sau 20 năm chung sống, dù không có con gái và kinh tế khó khăn nhưng cặp đôi vẫn hết mực yêu thương nhau.
Trong một khu đất bỏ hoang cạnh nghĩa địa ở tỉnh Sóc Trăng, ít ai biết rằng có có một căn chòi nhỏ, là nơi sinh sống của đôi vợ chồng “đũa lệch”. Trong khi bà đã ngoài 70 thì ông mới chạm ngưỡng 50. Thế nhưng họ đã sống chung hơn 20 năm, bất chấp những ánh nhìn không mấy thiện cảm từ người xung quanh.
Người dân quanh khu gọi ông là ông Tư, còn ông thường gọi vợ là bà Bé. Ông Tư mất mẹ từ nhỏ, không có họ hàng thân thích và lưu lạc đến khu vực bà Bé sinh sống. Họ quen rồi thương nhau, quyết định dọn về chung sống, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để đổi lấy cơm ăn ba bữa.
Đôi vợ chồng già sống trong căn chòi nhỏ ở nghĩa trang
Bà Bé thường đi chặt củi thuê, còn ông Tư lúc nào có việc thì đi phụ hồ, chở hàng thuê. Cuộc sống của họ bấp bênh, nhờ vào tình thương của bà con xóm làng. Dù vậy, tình cảm của hai vợ chồng rất tốt, luôn yêu thương, chăm sóc nhau từ những việc nhỏ nhặt.
Ông Tư lo cho sức khỏe của vợ nên chỉ muốn bà Bé ở nhà nhưng bà không chịu. Bà Bé kể: “Tôi già rồi, bị bệnh tuổi già hay đau ốm lắm. Ông ấy bắt tôi ở nhà cơm nước, nghỉ ngơi còn ông đi kiếm tiền nhưng tôi không chịu. Tôi ở nhà không quen, vẫn cứ kiếm việc làm. Đi chặt củi thuê cho người ta cũng kiếm trăm ngàn một ngày. Có việc người ta gọi đi chứ ở nhà buồn chán”.
Sau 20 năm chung sống, cả hai vẫn rất yêu thương và quan tâm nhau
Đi đâu, làm gì, ông Tư cũng đều nghĩ đến vợ. Hằng ngày khi đi làm, ông thường xuyên gọi điện về hỏi thăm vợ đã ăn cơm chưa, uống thuốc chưa, có mệt không. Ông còn nhắc vợ không được làm việc quá sức, dễ ốm đau. Dù đã lớn tuổi, cuộc sống của họ vẫn như các cặp đôi mới cưới, rất mặn nồng.
“Ông ấy bón cơm cho ăn như con chăm mẹ, lo cho tôi từng tí, nấu cháo, nhắc uống thuốc. Mỗi lần tôi bệnh, ông khóc sợ tôi chết,” bà Bé chia sẻ.
Ông Tư cũng bộc bạch: “Tôi không dám đi làm xa, sợ vợ ở nhà không tự chăm sóc được”. Họ nhiều khi cãi nhau chỉ vì ông muốn bà ở nhà mà bà lại ham công tiếc việc, dẫn tới đau ốm.
Bà Bé từng có bầu được 3 tháng nhưng bị hỏng, sau đó thuốc men mãi cũng không có lại được nữa. “Cũng muốn cho ông một đứa con nhưng không được. Nếu có cô nào cho ông một đứa con tôi cũng chịu, cho ông có tương lai chứ tôi còn sống được bao lâu đâu. Tôi làm mai thì ông kêu tôi khùng, cứ làm mối chồng với người khác,” bà Bé vừa cười vừa nói.
Hơn 20 năm trước, ông Tư mới ngoài đôi mươi tình cờ gặp bà Bé. Khi ấy, bà Bé đã có hai đời chồng nhưng còn rất đẹp. Ông Tư phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên và quyết tâm theo đuổi. Chuyện tình cảm của họ đến bất ngờ mà ngay cả người trong cuộc cũng không tin vào cái kết ấy.
Ông Tư nhớ lại: “Lúc tôi biết bà ấy tôi mới hai mấy thôi, đẹp trai lắm, cũng nhiều người giới thiệu mà tôi không thích. Gặp bà ấy năm 50 tuổi, bà ấy còn đẹp, tóc dài tới eo. Tôi quyết theo cho bằng được, bà đi đâu tôi đi theo đó, anh em ngăn cản cũng theo cho bằng được”.
Nhớ lại ngày còn hẹn hò, bà Bé cười: “Thấy ông trẻ, đẹp trai cũng sợ chứ, biết người ta thương mình được đến bao giờ. Mình già rồi, sau này người ta bỏ mình thì sao. Sau thấy ông ấy theo hơn năm trời cũng tội nghiệp, bà con lối xóm lúc đầu thấy lạ sau cũng vun vào kêu tôi là người ta đẹp trai vậy còn chê”.
Suốt một năm theo đuổi, dù nghèo nhưng ông Tư vẫn rủ bà Bé đi uống cà phê rồi tới những chỗ riêng tư để nói chuyện. Dần dần, bà Bé cũng siêu lòng, chấp nhận về ở với ông Tư.
Cuộc sống hiện tại của họ rất vui vẻ, thoải mái. Họ ít cãi vã, không ghen tuông, để cho nhau sự thoải mái nhất định. “Mình hiểu tính nhau, lớn tuổi rồi chứ có phải con nít đâu mà ghen tuông. Bà nhiều bồ lắm nhưng tôi không bao giờ ghen,” ông Tư cho biết.
Bà Bé có hai đời chồng và năm người con, nhưng hiện tại các con đều đã có cuộc sống riêng. Họ biết mẹ đang sống với người đàn ông kém gần 30 tuổi. Trước kia, họ phản đối nhưng dần cũng quen và chẳng còn nói gì nữa. Dù sao mẹ cũng đã già, có người bên cạnh chăm sóc cũng giúp họ yên tâm phần nào.
Cuộc sống của bà Bé và ông Tư cứ trôi qua bình yên như vậy. Mặc kệ ánh mắt người đời, họ vẫn sống vui vẻ bên nhau như bao cặp vợ chồng khác.