Mới 10 tuổi, cậu bé này đã có khả năng lập trình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Scratch, Python và C# Unity.
Nghe thì có vẻ khó tin nhưng đây lại chính là sự thật. Cậu bé Nguyễn Nam Long ở TP.HCM mới 10 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm 3 năm kinh nghiệm lập trình. Bên cạnh đó, cậu bé còn có chứng chỉ TOEIC 900 - điều mà có lẽ một sinh viên đại học ra trường chưa chắc đã làm được.
Theo đó, bố của Nam Long là Nguyễn Bình Nam. Anh là giám đốc của một công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số ở TP.HCM. Anh đã bắt đầu cho con trai làm quen với lập trình từ khi mới học xong lớp 1.
Cậu bé bắt đầu được mọi người chú ý khi xuất hiện trong một bài post ứng tuyển với những kinh nghiệm khó ai có thể tin được là của một cậu bé 10 tuổi. Cậu có khả năng code bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như: Scratch, Python và C# Unity.
Lúc đầu, bố của Nam Long đã dạy cậu các bước cơ bản trong 1 buổi. Sau đó, Nam Long tự học trên youtube. Càng học cậu bé lại càng cảm thấy hứng thú, say mê. Mỗi ngày, Nam Long dành khoảng 4 tiếng để học bộ môn này đến mức bố của em đã phải yêu cầu con sau 45 phút ngồi máy tính phải nghỉ 15 phút.
Đến khi lên 10 tuổi, cậu bé đã có thể tự mình viết một hướng dẫn chơi game dài nửa trang A4 bằng tiếng Anh cũng như hoàn thiện một dự án game trong thời gian 2 ngày.
Không chỉ có khả năng lập trình mà Nam Long còn khiến mọi người kinh ngạc với khả năng tiếng Anh thành thạo và đạt TOEIC 900. Được biết, Nam Long đã bắt đầu học tiếng Anh với thầy giáo nước ngoài từ khi mới 4 tuổi.
Đến năm 2022, Nam Long đã nhận được lời đề nghị thực tập từ 6 công ty. Cuối cùng, gia đình cậu bé đã lựa chọn cho con thực tập ở một công ty về lập trình game blockchain nằm trong top 3 Việt Nam.
Ở độ tuổi còn khá nhỏ, Nam Long đã đạt được nhiều thành công đáng ngưỡng mộ. Mặc dù vậy, cậu bé vẫn được bố theo sát, hạn chế sự ảnh hưởng của dư luận đối với sự phát triển toàn diện của con. Bố cậu bé không muốn rằng con nghĩ mình nổi tiếng, thành công rồi tự cao quá mức.
Được mọi người gọi với cái tên “thần đồng” nhưng Nam Long cũng không bao giờ bị gia đình ép buộc học hành. Cậu bé luôn được bố mẹ ủng hộ học thêm các kỹ năng mềm khác, tham gia trải nghiệm thực tế cũng như đảo bảo thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý bên cạnh việc học tập.