Cặp đôi vốn là 2 người phụ nữ, dù không mấy khấm khá nhưng lại yêu thương nhau hết mực. Đến nay, cả hai đã chung sống với nhau được 30 năm.
Ở vùng giáp ranh giữa 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ (Long An), có lẽ không ai là không biết đến cặp vợ chồng LGBT U70 sống ẩn dật nơi nghĩa trang. Chú Tư - một người dân ở trong vùng tiết lộ trên rằng : “Đó không phải đôi vợ chồng bình thường như bao gia đình khác. Họ vốn là hai người phụ nữ, chung sống với nhau hơn 3 chục năm, không con cái cũng chẳng có mảnh đất dựng nhà. Vì thế họ đã chọn nơi nghĩa trang heo hút làm chốn dung thân, ngày ngày trồng rau hái quả để duy trì cuộc sống”.
Bên cạnh đó, chú Tư cũng cho biết thêm, cặp đôi có hoàn cảnh tương đối khó khăn, thế nhưng, họ vẫn luôn yêu thương nhau hết mức. Đây chính là tấm gương sáng cho nhiều gia đình học tập.
Ngôi nhà của cặp đôi nằm giữa khu nghĩa trang, được chắp vá bằng nhiều mảnh bạt, tre nứa…Bên trong ngôi nhà cũng không có gì đáng giá mà chỉ có vài thùng nhựa đựng đồ đạc linh tinh, bát đũa, xoong nồi….
Người phụ nữ có mái tóc tém cũng tự giới thiệu với Kênh Độc lạ Bình Dương : “Tôi là chú Bảy, năm nay 65 tuổi. Còn đây là vợ tôi tên Thuỷ , 67 tuổi. Chúng tôi đều là phụ nữ nhưng 30 năm qua coi nhau như vợ chồng. Có lẽ chúng tôi là cặp đôi có tình yêu đồng giới lớn tuổi nhất nhì Việt Nam”.
Được biết, chú Bảy quê ở Sóc Trăng. Chú vốn sinh ra với hình hài một bé gái. Thế nhưng, càng lớn chú càng thấy bản thân có nhiều khác biệt. Chú không có cảm tình với đàn ông mà lại yêu thương phụ nữ.
Đến khi được hơn 20 tuổi, chú Bảng đến Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai. Chú cũng luôn khao khát có một ngày được sống thật với chính bản thân mình. Chú Bảy tâm sự: “Tôi có hình hài của người phụ nữ nhưng tâm hồn đàn ông lắm. Tôi rất muốn yêu thương một cô gái nhưng nào dám “công khai” bởi thời điểm đó xã hội còn khắt khe với người đồng tính. Thậm chí người ta còn coi đó là một căn bệnh không thuốc chữa”.
Đến năm 1993, chú gặp người vợ của mình hiện tại là cô Thủy. Cô làm nghề rửa chén thuê. Từ khi gặp cô, chú bỗng thấy con tim mình rung động nên quyết tâm “tán” cho bằng được.
Chia sẻ về chuyện tình với chú Bảy, cô Thủy nói: “Tôi với ông ấy vừa quen nhau cái đã thấy thân thuộc vô cùng. Cả hai trở thành tri kỷ vì có chung nỗi niềm – muốn sống thật với bản thân. Sau đó chúng tôi nảy sinh tình cảm, quyết định dọn về chung sống với nhau như vợ chồng mặc cái nhìn dè bỉu của thiên hạ”.
Đến đây, chú Bảy cũng nói tiếp: “Hồi đó chúng tôi đâu có dám sống nơi phố thị đâu, phải dọn về khu nghĩa trang này sống ẩn dật. Ở đây ít người qua lại, lại nằm nơi heo hút nên không sợ người đời bàn tán gì cả”.
Đến nay, chú Bảy và cô Thủy đã chung sống với nhau được 30 năm. Thế nhưng, một mảnh đất với ngôi nhà tử tế để sống cô chú cũng không có. Họ cứ vậy sống dựa vào nơi “nằm xuống” của người quá cố. Hàng ngày, cả hai vợ chồng cùng nhau trồng rau quả hoặc tìm măng dại về ăn.
Bên cạnh đó, họ cũng chăm sóc cho phần mộ không người ghé đến. Họ bảo rằng đây chính là trách nhiệm với những người đã khuất, vừa thể hiện lòng thành kính đồng thời cũng mog họ phù hộ cho mình có sức khỏe làm ăn.
Khi được hỏi đã công khai mọi chuyện hay chưa, chú Bảy trả lời dõng dạc: “Rồi chứ! Giờ xã hội hiện đại, con người đã có cái nhìn tích cực về hôn nhân đồng giới. Hiện gia đình, bạn bè và làng xóm biết hết cả rồi. Gia đình vẫn có người không ủng hộ nhưng kệ thôi.
Tôi nghĩ cái số của mình như vậy cũng chẳng trách ông trời hay số phận nghiệt ngã. Thay vào đó tôi chấp nhận tất cả, sống thật hạnh phúc với người mình thương”.
Đến nay, khi đã ở bên kia cuộc đời, cặp đôi chỉ mong có một mảnh đất, dựng ngôi nhà nho nhỏ để có nơi ăn ở. Sau đó, hai vợ chồng sẽ chăm sóc nhau, cùng nhau làm lụng.
Cô Thủy bộc bạch rằng : “Tôi có thiệt thòi so với chị em trong nhà nhưng hơn nhiều cái lắm. Tôi có một người chồng hiền lành, lo làm ăn và yêu thương mình hết mực. Suốt 30 năm qua, tôi chưa bao giờ hối hận khi lấy ông ấy”.