Câu chuyện về bé gái sống cùng ông bà ngoại giữa cái chòi dựng tạm trong rừng ở Ninh Thuận khiến mọi người xót xa. Từ nhỏ, em đã không biết cha mẹ của mình thế nào.
"Trẻ em như búp trên cành" là câu nói miêu tả chân thật về những đứa trẻ mỏng manh xứng đáng được mọi người yêu thương, che chở. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có hoàn cảnh tốt, vừa sinh ra đã được bảo bọc trong vòng tay của cha mẹ. Điển hình như câu chuyện của bé gái 3 tuổi sống cơ cực cùng ông bà ngoại trong một cái chòi nhỏ dựng tạm ở bìa rừng.
Tại khu vực miền núi cao của tỉnh Ninh Thuận, câu chuyện của bé gái 3 tuổi tên Tiên cùng ông bà ngoại của bé thu hút sự quan tâm của người dân. Được biết, Tiên từ nhỏ đã được ông bà ngoại nuôi dưỡng, không biết mặt cha mẹ mình ra sao, cũng không biết nói tiếng Kinh, chưa từng được ăn ngon mặc đẹp hay có cuộc sống vô lo vô nghĩ.
Theo lời kể của ông Bác (SN 1974) và là ông ngoại của cháu Tiên, mẹ của cháu từ khi sinh con xong thì bỏ nhà ra đi không nghe tung tích, cũng chưa từng một lần gọi về hỏi thăm gia đình hay hỏi han tình hình của con. "Giờ con bé 3 tuổi rồi nhưng có biết mặt mũi mẹ đẻ của nó ra sao đâu?', ông Bác nhắc đến con gái của mình.
Ông Bác luôn tự trách vì có đứa con gái dại khờ, khi mang thai không nói với gia đình về danh tính cha của đứa trẻ, vừa sinh con xong thì cũng không còn gặp gỡ. Đến hiện tại con gái bỏ đi đâu gia đình ông cũng không biết, càng không gửi tiền về phụ giúp hai vợ chồng già nuôi đứa nhỏ.
Mỗi khi nghe cháu ngoại hỏi "mẹ con là ai? cha con là ai?" thì ông Bác lại nén nước mắt đáp: "Cha mẹ con đi làm ở thành phố, kiếm tiền nuôi con lớn".
Bé gái suốt 3 năm qua lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại nhưng chưa bao giờ có được cuộc sống đầy đủ vật chất. Người ta hỏi sao ông Bác không sống trong nhà dưới làng mà lên rừng ở, ông cho biết nhà dưới làng đã mạc nát, trời mưa nước ngập hết nhà không sống được nên phải dựng tạm chòi nhỏ trú trên rừng. Bé Tiên cũng vì thế mà theo ông bà sống ở nơi hoang vu, hẻo lánh.
Ông Bác cho biết, cháu ngoại lớn lên rất ngoan, nhưng vì điều kiện sống quá khổ nên cơ thể thường bị nổi ghẻ ngứa khắp người. Mỗi lần nhìn cháu gãi đến chảy máu khiến ông xót xa. Ông Bác có nấu lá rừng để bé tắm nhưng mãi vẫn không hết. Mỗi khi muốn đưa cháu xuống bệnh viện kiểm tra thì phải có tiền, có xe nhưng vợ chồng ông Bác không đủ khả năng chi trả.
Ngày thường, vợ chồng ông Bác sẽ đi hái rau quả trên rừng ăn qua ngày chứ không có công việc mưu sinh. Hai người thường vay nợ hoặc mua thiếu bà con, đợi đến khi có tiền thì trả. Mọi người trong vùng đều biết rõ hoàn cảnh gia đình ông Bác khó khăn. Thỉnh thoảng sẽ có người thuê dân lao động vào vườn cà phê thu hoạch nhưng đường đi rất xa, phải có xe gắn máy di chuyển, mà vợ chồng ông thì không có phương tiện này.
Ảnh: Tổng hợp