Sau khi đọc xong bài văn miêu tả người mẹ của cậu bé tiểu học, dân mạng Trung Quốc không khỏi bật cười nhưng sau đó gợi lên nhiều suy ngẫm.
Từ lâu, gia đình đã trở thành nhân tố chủ chốt để quyết định xu hướng phát triển của đứa trẻ trong giai đoạn đầu của cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà nhà trường thường đề cao sự tham gia của cha mẹ, gia đình vào quá trình giáo dục trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc, chở che và dạy bảo nghiêm ngặt của người thân.
Mới đây, một bài văn miêu tả người mẹ của cậu bé tiểu học tại Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều suy ngẫm. Thông thường, khi nhận được đề tài miêu tả người mẹ hay người thân yêu nhất trong gia đình, những học sinh tiểu học thường chọn những biện pháp nói quá như "mẹ em da trắng như tuyết", "mái tóc của mẹ em dài mượt" hay "bố em cao to, vạm vỡ có thể cõng em cả ngày"... Tuy nhiên, một cậu bé tiểu học lại gây xôn xao với bài văn tả mẹ không giống ai.
Theo đó, cậu bé tả mẹ của mình vô cùng thờ ơ với con cái cũng như gia đình. Vì bận rộn công việc kinh doanh trên Wechat nên mẹ hầu như không bao giờ rời khỏi chiếc điện thoại. Thậm chí, đến thời gian quan tâm con cái, người mẹ cũng không làm được:
"Người mẹ giả,
Trước đây, mẹ rất tốt với em. Thế nhưng từ khi mẹ bắt đầu kinh doanh trên Wechat thì thường tỏ ra thờ ơ với em. Ngày nào mẹ cũng bấm điện thoại, cười với điện thoại nhưng chẳng nói với em câu nào. Thỉnh thoảng mẹ chuẩn bị cơm cho em nhưng điều em mong muốn nhất là mẹ ngồi xuống ăn cơm cùng em. Nhưng mà mẹ đã không ăn với em từ rất lâu rồi. Không còn những lần hai mẹ con cười đùa vui vẻ với nhau. Mẹ em giờ đây đã thay đổi, mẹ trở thành một người mẹ giả . Em phải làm sao để tìm lại người mẹ thật của mình đây?"
Ban đầu, đọc được bài văn này, cô giáo không khỏi phì cười trước những lời lẽ mô tả chân thật của cậu bé về người mẹ bận rộn của mình. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ hơn, mọi người mới càng thấm thía sự bất lực của cậu bé cũng như khao khát được mẹ yêu thương, quan tâm. Cô giáo sau đó cũng đã sắp xếp buổi gặp mặt trực tiếp với phụ huynh của cậu bé trong câu chuyện để trình bày rõ ràng và hy vọng cậu bé có thể sớm tìm được "người mẹ thật" của mình.
Bài văn ngay khi đăng tải lên mạng đã tạo nên làn sóng xôn xao từ cộng đồng. Mọi người ai cũng lên án người mẹ thờ ơ khiến con của mình cảm thấy bị tổn thương trong chính ngôi nhà quen thuộc nhất. Rõ ràng vấn đề này không hề xa lạ trong đời sống hiện nay, nhất là khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển và mọi người dành nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính hơn là người thân trong gia đình.