Trường đại học này có diện tích lên đến 118 ha, sinh viên đi mỏi chân cũng chưa hết.
TP.HCM là một thành phố lớn quy tụ nhiều trường đại học nổi tiếng, trong đó, trường đại học có diện tích rộng nhất chính là Đại học Nông lâm TP.HCM.
Đại học Nông lâm TP.HCM tiền thân là Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc. Trường được thành lập vào ngày 19/11/1955. Đến năm 2000, ngôi trường này được đổi tên thành Trường Đại học Nông lâm TP.HCM trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường có một phần tọa lạc ở phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP.HCM và một phần thuộc phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tổng diện tích của trường là 118 ha. Diện tích này gấp đôi Đại học Bách khoa Hà Nội (trường đại học lớn nhất thủ đô).
Ngôi trường gây ấn tượng mạnh với nhiều cây xanh lâu đời, quang cảnh thiên nhiên đẹp với nhiều hoa thơm, cỏ lạ không khác gì một khu rừng thu nhỏ. Đặc biệt, các giảng đường ở trường còn được đặt tên theo các loài hoa như: Khu giảng đường Phượng Vỹ, Tường Vy, Cẩm Tú…
Bốn mùa trong năm, khuôn viên của trường đều như một công viên rực rỡ sắc màu với nhiều loài hoa cỏ thi nhau đua nở, tạo nên không gian học tập tuyệt vời cho sinh viên.
Hiện Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đào tạo 46 chuyên ngành cả đại học và sau đại học, 12 khoa và 6 bộ môn trực thuộc.
Trước đó, trên mạng xã hội đã lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh đoạn đường từ cổng trường đến các khu giảng đường của trường. Con đường đẹp như trong những bộ phim Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhìn vào thì ai cũng phải toát mồ hôi vì khá xa.
Một số sinh viên của trường đã để lại bình luận rằng:
- Tại mấy bạn nhìn qua camera nên thấy xa vậy thôi chứ lúc đi thì mình thấy nó cũng xa vô cùng. 4 năm đi học ở Nông Lâm mà không bắt xe ôm vô giảng đường là một thành công lớn của sinh viên tụi mình đấy
- Đây là lý do tỷ lệ béo phì ở Nông Lâm là 0%. Dáng các bạn sẽ “auto “đẹp. Cứ thử học cả ngày. Mà sáng Phượng Vỹ, trưa Rạng Đông, chiều Cát Tường đi. Chưa kể mấy khu thực nghiệm nhé, rồi nhà lá nhà đồ. Còn cả sân banh và nhà thi đấu nằm xa xa không thấy trong clip
- Từ trạm xe bus đi bộ vào đến giảng đường là cả cây số, đừng hỏi vì sao ngày xưa hay cúp học