TikToker đua nhau tư vấn hướng nghiệp, nhiều bạn trẻ bối rối vì "chín người mười ý" trước hàng loạt clip gắn mác những "ngành thất nghiệp"
Dẫn tin từ Tuổi Trẻ Online, hiện nay mạng xã hội tràn lan nhiều clip 'tư vấn ngành nghề' trên TikTok khiến các bạn trẻ bối rối. Điểm chung của các kênh TikTok theo chủ đề này đều có sự liên quan đến nhau như: cách chọn ngành phù hợp, người hướng nội - hướng ngoại nên học gì, những ngành không nên học vì dễ thất nghiệp…Không nên học ngành tâm lý; ngành marketing đã bão hòa; những ngành nếu muốn giàu thì không học… vô vàng những clip "tư vấn" không chuyên vô tình làm nhiều bạn trẻ hoang mang.
Trong chương tư vấn ngành nghề, bạn Mỹ Tuyết, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Pleiku), tâm sự rất thích ngành tâm lý học. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người xung quanh lại nói ngành này không có việc làm. Một số clip trên TikTok còn khẳng định ngành này rất khó kiếm việc lại khiến Tuyết băn khoăn.
Trao đổi với học sinh, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết thời gian gần đây có nhiều clip trên TikTok liệt kê các ngành học nằm trong top "những ngành sẽ thất nghiệp", "những ngành nếu muốn giàu thì không học"… Ngành tâm lý học cũng thường được một số clip TikTok khuyên "không nên học". "Những chia sẻ này chỉ hoàn toàn cảm tính. Một số nội dung clip không đúng với thực tế. Vì vậy học sinh phải tỉnh táo trước những clip này" - ông Hạ nói.
Chẳng hạn với ngành tâm lý học, thầy Hạ cho biết công việc khá đa dạng ở những TP lớn từ làm các công việc tư vấn, can thiệp tâm lý đến bộ phận nhân sự ở các công ty. Khi kinh tế - xã hội ở các địa phương càng được nâng cao thì nhu cầu nhân lực tâm lý cũng gia tăng.
Trong khi đó bạn Ngọc Yến, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Pleiku), chia sẻ bạn nghe một số trang mạng nói ngành marketing bị bão hòa, hiện đang có rất nhiều người học marketing nên tốt nghiệp 4 năm sau có thể sẽ khó tìm việc.
GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, thừa nhận đây là băn khoăn mà ông nhận được rất nhiều từ các học sinh trong quá trình tư vấn. Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành marketing ở những trường đại học lớn có đào tạo như Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Tài chính - Marketing… luôn ở tốp cao, cho thấy số bạn trẻ có mong muốn theo học cũng rất lớn.
Theo ông Bảo, những lo lắng của thí sinh hay các chia sẻ trên mạng về chuyện nhiều người học marketing sẽ khó xin việc chỉ đúng 50%. Ông giải thích một mặt marketing là một phần không thể thiếu của hoạt động kinh tế, nên chừng nào vẫn còn buôn bán, kinh doanh thì vẫn còn nhu cầu nhân lực ngành marketing.
Chia sẻ với thí sinh "sợ chọn sai nghề", PGS.TS Bùi Đức Triệu - trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân - tư vấn thí sinh hãy chọn hướng đi phù hợp với đam mê, ước mơ của mình. Nhưng ở thời điểm này, khi các em còn chưa biết sẽ đi hướng nào thì trước hết hãy nghiên cứu ba lĩnh vực chính: khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và xã hội.
Khi đã chọn một lĩnh vực thì các em mới tìm hiểu lĩnh vực đó có những ngành, nhóm ngành nào và trường nào đào tạo. Việc chọn trường cũng cần lưu ý một số thông tin như môi trường đào tạo, yêu cầu học tập, cơ hội phát triển các kỹ năng mềm và cuối cùng là khả năng tài chính.
Theo thầy Triệu, trong các ngành kinh tế, có khoảng 50% các ngành, chuyên ngành làm lẫn việc của nhau. Ví dụ học quản trị kinh doanh, học marketing có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ có một số nghề khá rõ như kế toán phải làm đúng chuyên môn được đào tạo. Nếu học các ngành rộng, các em có nhiều hơn cơ hội "nhảy việc" ở nhiều nơi.