Chỉ thiếu 0,05 điểm so với điểm chuẩn của trường Đại học Y Hà Nội, nam sinh Nguyễn Phùng Hưng không đỗ vào ngành mong muốn trong kỳ tuyển sinh vào năm 2017.
Thông tin về 2 thủ khoa toàn quốc đạt 29,35 điểm nhưng trượt nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2023 thu hút sự quan tâm. Hai nam sinh này đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính với điểm chuẩn là 29,42 điểm. Trượt nguyện vọng 1 nhưng cả 2 thí sinh đều đỗ nguyện vọng 2 vào ngành Kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Câu chuyện này cũng khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp của em Nguyễn Phùng Hưng (sinh năm 1998) trong kỳ tuyển sinh Đại học năm 2017. Cách đây 6 năm, việc Hưng thiếu 0,05 điểm nên trượt Đại học Y Hà Nội khiến dư luận xôn xao.
Nam sinh trượt trường Đại học Y Hà Nội vì thiếu 0,05 điểm (Ảnh VTV24)
Chia sẻ trên VTV, Hưng buồn bã cho biết kết quả thi đạt 29,15 điểm. Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được làm tròn lên 29,25 điểm, nhưng điểm số rất cao này không giúp Hưng đỗ vào trường Đại học mong muốn là Đại học Y Hà Nội.
"Tuy điểm cao như thế nhưng em vẫn trượt Đại học. Buồn quá nên là em đã đi cắt tóc ngay hôm đấy" - Hưng chia sẻ.
Năm 2017 là lần thứ 2 cậu học trò thi Đại học, sau lần đầu tiên vào năm 2016 trượt Học viện Quân y. Nhưng không may năm 2017 Hưng trượt tiếp Đại học Y Hà Nội. Kết quả thi các môn của Hưng lần lượt: Toán 9,4 điểm; Hóa học 9,75 điểm; Sinh học 10 điểm. Tổng điểm 29,25 (sau khi làm tròn) vừa đủ điểm đỗ chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa tại trường Đại học Y Hà Nội.
Tuy nhiên do trường đặt thêm tiêu chí phụ, yêu cầu tổng điểm 3 môn trước khi làm tròn phải đạt từ 29,2 trở lên mới đủ điều kiện đỗ. Như vậy, vì thiếu 0,05 điểm nên Hưng trượt Đại học.
"Lúc biết điểm thực sự em rất buồn và khá bất ngờ vì không nghĩ trường Đại học Y Hà Nội lại lấy điểm chuẩn cao như thế" - Nam sinh buồn bã chia sẻ.
Vì quá buồn bã, Hưng đi cắt tóc ngắn ngay sau khi biết điểm (Ảnh VTV24)
Trường Đại học Y Hà Nội ra thêm tiêu chí phụ khiến thí sinh trượt dù chỉ thiếu 0,05 điểm (Ảnh VTV24)
Nam sinh này cũng bày tỏ sự bức xúc về việc tính cả điểm ưu tiên khu vực và khuyến khích vào tổng điểm 3 môn Toán, Hóa học, Sinh học ở tiêu chí là không công bằng với những thí sinh ở khu vực 3, không bao giờ được cộng điểm ưu tiên. Theo Hưng, đề thi năm 2017 dễ, nhiều điểm cao nên điểm cộng sẽ quyết định việc đỗ hay trượt.
Tại thời điểm đó, chia sẻ trên báo Tiền Phong, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết trường hợp của em Nguyễn Phùng Hưng là cá biệt và rất đáng tiếc, thí sinh đạt điểm rất cao để có thể đỗ vào các trường Đại học danh tiếng, tuy nhiên đã không may mắn. Về chính sách cộng điểm ưu tiên đã được thực hiện nhiều năm nay. Khi còn sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi...thì chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội.
Theo chia sẻ, sau khi trượt trường Đại học Y Hà Nội, nam sinh này tiếp tục theo đuổi Học viện Quân y để trở thành một bác sĩ giỏi. Những thông tin về tình hình học tập, công việc hiện tại của Hưng không được chia sẻ nhiều dù nhiều người tò mò về nam sinh này sau 6 năm kể từ cú sốc trượt Đại học vì thiếu 0,05 điểm.
Nguyễn Phùng Hưng theo đuổi việc học bác sĩ tại Học viện Quân y sau khi trượt trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh VTV24)
Sau 6 năm, câu chuyện này vẫn được nhiều người nhắc lại vào mỗi mùa công bố điểm chuẩn tuyển sinh Đại học. Việc thiếu chỉ số điểm rất nhỏ dẫn đến trượt Đại học dù tổng điểm rất cao khiến nhiều thí sinh nuối tiếc, dang dở những dự định, kế hoạch về ngành học.