Thầy cô giáo xưng hô với học sinh thế nào để phù hợp mà vẫn tạo được sự thoải mái. Bên cạnh việc gọi bằng "em" thì có thể gọi là "con" hay không?
Trong ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều cách xưng hô đa dạng và phong phú. Tùy theo vai vế, địa vị, công việc, hoàn cảnh, tình huống... mà chúng ta áp dụng cách xưng hô khác nhau. Trong môi trường giáo dục, thầy cô thường xưng hô với học sinh là "thầy/cô" và gọi học sinh là "em". Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp ngoại lệ làm dấy lên tranh luận trong xã hội.
Được biết, cách xưng hô trong môi trường học đường giữa người giảng dạy với người theo đuổi kiến thức thông dụng nhất là xưng "thầy/cô" và gọi học trò là "em". Tùy theo từng vùng miền mà cách xưng hô này sẽ có nhiều biến đổi nhưng vẫn dựa trên tiêu chí lịch sự, văn minh và tôn trọng lẫn nhau.
Theo thống kê, ở các tỉnh miền Bắc thường có xu hướng xưng là thầy/cô và gọi học trì là "em". Một số giáo viên dạy các lớp Mầm non hoặc Tiểu học sẽ gọi học trò là "con" để tạo sự tin tưởng, thân thiết và gần gũi với những em nhỏ.
Đặc biệt, ở những trường học tại khu vực phía Nam, đa phần người theo nghiệp nhà giáo đều xưng thầy/cô và gọi học trò là "con" không phân biệt các cấp giáo dục. Những học trò trung học phổ thông hay thậm chí là sau khi ra trường cũng sẽ xưng với thầy cô là "con" để thể hiện sự tôn trọng, thân thiết và như một thói quen khó bỏ.
Gần đây, trên mạng xuất hiện video cho thấy tại một lớp học xuất hiện trường hợp thầy giáo và học trò xưng hô với nhau là "mày - tao". Điều này nhanh chóng tạo nên một cuộc tranh luận trên mạng xã hội về việc xưng hô không phù hợp trong môi trường học đường.
Thực tế, một số thầy cô còn xưng hô là "tôi" trước mặt học trò hoặc gọi học trò là "anh A, chị B"... Mặc dù cách xưng hô trên không vi phạm bất kỳ quy định nào nhưng nó có phần lạnh nhạt hơn so với cách gọi "em", "con" thông thường. Ngoài ra, việc xưng hô "anh", "chị" ở môi trường học đường cũng giảm đi sự thân thiết giữa người thầy cô giáo đối với học trò, khiến không khí lớp học trở nên căng thẳng và học sinh cũng không thấy thoải mái.
Ngày nay, nhiều cách xưng hô đa dạng hơn được áp dụng ở môi trường học đường nhưng không có nghĩa là cách gọi nào cũng phù hợp. Các thầy cô giáo cần cân nhắc chọn một cách xưng hô phổ biến, toàn dân và mang lại cảm giác thoải mái, không áp lực cho học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường.
Có người cho rằng xưng hô thế nào không quan trọng, quan trọng là tận tâm với nghề và có một tấm lòng trong sáng. Thế nhưng khi suy xét, việc thầy cô không thích học trò gọi mình bằng những từ ngữ khiếm nhã như "ông này, bà nọ" thì học trò cũng không thoải mái khi bị thầy cô gọi bằng "anh A, chị B". Nếu thầy cô biết cách sử dụng từ ngữ xưng hô cho đúng mực thì sẽ càng khiến học sinh thêm tin tưởng và quý trọng.