Mùa hè là khoảng thời gian để sinh viên nghỉ ngơi sau những kỳ học căng thẳng. Trong khi nhiều người chọn nghỉ ngơi và tận hưởng, thì một số bạn lại ráo riết tìm ngay một công việc làm thêm.
Bước vào môi trường đại học, hầu hết sinh viên đều mong muốn có thể tìm được cho mình một công việc làm thêm. Nhất là sinh viên ngoại tỉnh, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các bạn phải lo đáng kể với các loại chi phí ăn ở, học phí và nhiều khoản phát sinh khác. Dễ thấy khi có thời gian rảnh giữa những kỳ học như dịp hè, hàng loạt đơn ứng tuyển từ sinh viên được gửi về các doanh nghiệp một cách ồ ạt.
Xét về nguồn nhân lực, sinh viên được cho là một nguồn lực vô cùng lý tưởng, có sức khỏe tốt, có kiến thức và kĩ năng để có thể làm bất kỳ công việc nào. Vì vậy, trong một số lĩnh vực nghề nghiệp, các nhà tuyển dụng rất thích tuyển dụng sinh viên vào làm thêm.
Có thể thấy, chính bản thân sinh viên cũng thích đi làm thêm, nhất là vào những kỳ hè có nhiều thời gian. Nguồn thu nhập ổn định sẽ giúp các bạn có tâm lý thoải mái và yên tâm hơn để chi tiêu cho những nhu cầu và sở thích hằng ngày. Không những vậy, việc làm thêm còn giúp ích cho sinh viên trải nghiệm nhiều điều với thực tế, rút ra những kinh nghiệm cho bản thân và tạo được thêm nhiều mối quan hệ.
Đúc kết từ những nhu cầu này, lớp trẻ đã tạo nên một “ý thức” đi làm thêm. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực thì vấn đề đi làm thêm vẫn tồn tại khá nhiều mặt tiêu cực. Từ đó dấy lên những luồng ý kiến trái chiều về câu chuyện này. Nhiều người tự hỏi, liệu có đáng hay không khi chúng ta đánh đổi thời gian, sức khỏe vốn phục vụ cho việc học, để đầu tư vào việc kiếm tiền ngay trong độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Quả thật, việc giới trẻ đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập không phải là xấu, nếu như các bạn biết cách sắp xếp thời gian và giữ sức khỏe. Nhưng dưới góc nhìn của những người từng trải, đã gặt hái được thành công trong cuộc sống, họ đều để lại những ý kiến gửi gắm đến sinh viên rất chân thành:
“Thật sự mình khuyên các bạn sinh viên. Nếu ba mẹ lo được một phần nào đó chi phí thì các bạn nên tìm một công việc liên quan tới ngành mình học. Có như vậy mới tạo điều kiện cho việc thực tập và công việc chính thức sau này. Chân thành khuyên luôn ý!”
“Hãy tập trung học và học thêm tiếng anh. Bố mẹ khó thì ăn tiêu tiết kiệm chút.”
“Theo tôi nếu gia đình khá giả thì nên lo ăn học đàng hoàg, còn nếu thiếu thốn quá thì đi lo cho sự sống còn trước, nếu có nhiều thời gian rảnh thì làm part-time, đang tiềm năng bây giờ thì có Affiliate Livestream trên Tiktok, có kĩ năng thì làm Flipping Website, hay bán đồ digital trên các chợ, học marketing thì làm thử các chiến dịch CPA Marketing hoặc làm Freelance…”
“Tuổi nào việc nấy. Học sinh thì tập trung vào học, đọc thêm sách phát triển tư duy, tiếng anh, kỹ năng mềm... kể cả học năng khiếu như võ, vẽ, hát hò. Về sau áp dụng được nhiều và điều là thứ cần thiết mà khi lớn đi học chuyên nghiệp hay ra trường đi làm sẽ áp dụng được rất nhiều mà sau này muốn học cũng khó. Ví dụ Marketing, sáng tạo nội dung, content thì học văn - sử - địa; Các ngành mỹ thuật, kiến trúc, kỹ sư thiết kế thì vẽ và toán hình tốt là ưu thế; Làm kỹ thuật, lập trình, kế toán thì toán tư duy tính toán tốt sẽ áp dụng rất nhiều; Kinh doanh, quản lý, nhân sự thì cần học giao tiếp…”
Điểm chung ta có thể rút ra được từ số đông bình luận này đều là lời khuyên các bạn sinh viên nên tập trung vào học tập và trau dồi kiến thức là trên hết, là ưu tiên hàng đầu. Nếu quyết định đi làm thêm phụ giúp cha mẹ thì hãy lựa các công việc vừa sức với mức thù lao hợp lý, không để lao lực rồi ảnh hưởng đến chuyện đèn sách.
Có như thế, sinh viên mới có đủ sức khỏe và trí lực để rèn luyện bản thân trở thành một người thành công trong sự nghiệp riêng và có ích cho xã hội. “Trường học được ví như chiếc chìa khóa của tri thức, học tập được xem là công việc của cả cuộc đời”. Hãy dành mỗi phút giây trôi qua trong cuộc đời, nhất là thời gian rảnh như dịp hè để rèn luyện bản thân phát triển hơn từng ngày, bạn nhé!
Ảnh: Tổng hợp