24h
Yeah1 News

Nhiều giáo viên viết đơn xin nghỉ việc để kiếm mưu sinh bằng nghề khác, trăn trở câu chuyện đau lòng phía sau

Thứ hai, 21/08/2023 | 15:40 (GMT+7)

Giữa thời điểm học sinh nô nức mùa tựu trường thì giáo viên lại "ngậm ngùi" viết đơn xin nghỉ việc, "cay đắng" chấp nhận bỏ nghề khiến nhiều người chua xót.

Mới đây, một phóng sự của VTV với tiêu đề "Giọt nước mắt đằng sau lá đơn xin nghỉ việc của người giáo viên" đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Theo đó, giữa thời điểm học sinh nô nức tựu trường, hàng loạt giáo viên đau lòng nộp đơn xin nghỉ việc sau nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, nhiều người ngay lập tức phải đặt câu hỏi lương, phụ cấp nhà giáo ra sao mà dẫn đến cảnh cảnh giáo viên bỏ ngành?

Thực tế, vì gánh nặng kinh tế, nhiều giáo viên trên cả nước buộc làm thêm đủ nghề tay trái mới đủ trang trải cuộc sống gia đình, để yên tâm đi dạy. Trong khi đó, không ít giáo viên cũng đã tìm kiếm mưu sinh bằng nghề khác. Đằng sau lá đơn xin nghỉ việc của họ là bao trăn trở, có cả giọt nước mắt của những thầy cô cực chẳng đã vì cơm áo gạo tiền mà đành dứt áo bỏ nghề ra đi "ít ai thấu tỏ".

Nhiều giáo viên viết đơn xin nghỉ việc để kiếm mưu sinh bằng nghề khác, trăn trở câu chuyện đau lòng phía sau. Ảnh: VTV
Nhiều giáo viên viết đơn xin nghỉ việc để kiếm mưu sinh bằng nghề khác, trăn trở câu chuyện đau lòng phía sau. Ảnh: VTV

Liên quan đến câu chuyện trên, cô giáo Trịnh Thị Kim Tuyền (Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ: "Khi mình viết đơn bao nhiêu cảm xúc đi học sư phạm, 14 năm gắn bó đấy. Sau khi có gia đình con cái, áp lực cuộc sống áp lực về kinh tế nhiều hơn hẳn thì bắt buộc mình bươn ra ngoài để làm thêm. Rồi sự sắp xếp thời gian đi trường và thời gian bên ngoài mình không thể cân đối được, bắt buộc mình phải lựa chọn… Không dám nghĩ đến buổi hôm đó là cuối cùng mình đứng trên bục giảng, đứng trước học sinh. Mình phải kìm cảm xúc đó lại”.

Cô giáo ở Bắc Giang ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc sau 14 năm gắn bó với nghề giáo Ảnh: VTV
Cô giáo ở Bắc Giang ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc sau 14 năm gắn bó với nghề giáo Ảnh: VTV

Gạt đi cảm xúc quay trở lại với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Theo cô Tuyền, 7 năm qua, quán bún đậu mắm tôm là nghề tay trái nuôi luôn nghề tay phải của cô là nghề giáo. Công việc này đã cho thu nhập gấp nhiều lần lương giáo viên cấp hai: "Lương mình 14 năm là 6,6 triệu, không thể đủ để nuôi một bé 2 tuổi và một bé đang học lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6. Làm ở cửa hàng, mình có điều kiện để lo cho gia đình, không chỉ các con, bây giờ bố mẹ cũng già rồi", cô Tuyền chia sẻ.

Ảnh: VTV
Ảnh: VTV

Tương tự như cô giáo Tuyền , cô Lê Thị Chinh (Lạng Giang, Bắc Giang) thổ lộ nguyên nhân chính khiến bản thân phải đổi nghề là vì ngày làm việc 10 - 12 tiếng, căng thẳng kéo dài, khiến cô không thể sắp xếp việc gia đình. "Mình không khuyến khích các bạn có ý định bỏ nghề nhưng mình muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi cho cô giáo mầm non cũng như giảm tải áp lực sổ sách để các cô tập trung chủ yếu vào trẻ nhiều hơn", cô Chinh trải lòng trên bảng tin VTV.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền nhiều giáo viên buộc làm thêm nhiều nghề tay trái mới đủ sống Ảnh: VTV
Gánh nặng cơm áo gạo tiền nhiều giáo viên buộc làm thêm nhiều nghề tay trái mới đủ sống Ảnh: VTV

Có thể thấy, nghề giáo viên từng là ước mơ của nhiều thế hệ. Vì thế, khi lúc trưởng thành, họ đã rất nghiêm túc theo đuổi con đường này, nhưng đến cuối cùng ước mơ ngày bé cũng không thể thắng nổi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Hơn nữa, đồng lương giáo viên hợp đồng ngày mới ra trường rất thấp, đến khi lập gia đình, có con cái, vật giá ngày một leo thang, gánh nặng cơm áo khiến nhiều giáo viên "áp lực đến nghẹt thở".

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, riêng năm học 2021-2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc, riêng khối trường công lập có 10.407 giáo viên nghỉ. Trong 3 năm qua, hơn 40.000 giáo viên đã nghỉ việc. Giáo viên dừng công việc dạy học hầu hết đều dưới 35 tuổi.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục