24h
Yeah1 News

Nhiều giáo viên địa lý đánh giá đề thi "lạ" và khó, học sinh ngỡ ngàng vì chưa từng học

Thứ năm, 29/06/2023 | 20:15 (GMT+7)

Sau khi các thí sinh hoàn thành bài thi môn Địa lý vào sáng ngày 29/6, một số giáo viên và học sinh đã có những phản ánh, cho rằng đề thi năm nay làm khó thí sinh.

Sáng ngày 29/6, các thí sinh hoàn thành hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023. Buổi thi hôm nay diễn ra suôn sẻ, không gặp những sự cố lọt đề như ngày 28/6. 

Tuy nhiên, trong số các môn thi, đề thi Địa lý là nhận nhiều phản ánh từ các giáo viên lẫn học sinh. Đa số ý kiến nhận xét đề thi năm nay phân hóa thí sinh rất rõ rệt, mức độ khó cao hơn năm trước. Thậm chí, nhiều giáo viên còn đánh giá đề thi năm nay lạ và khó với nhiều câu hỏi chưa từng được dạy và học trước đó. 

Nhiều giáo viên địa lý đánh giá đề thi 'lạ' và khó, học sinh ngỡ ngàng vì chưa từng học - ảnh 1

Nhiều giáo viên và học sinh phản ánh về đề thi Địa lý. Ảnh minh họa

Theo báo Dân trí, cô L.T.T, giáo viên dạy địa lý tại Nghệ An nhận định rằng trong đề địa lý năm nay, chỉ có phần lý thuyết đúng cấu trúc đề minh họa, còn phần kỹ năng thì không. Trong đó, các câu hỏi về kỹ năng Atlat yêu cầu thí sinh phải có sự luyện tập nhuần nhuyễn từ trước, nếu không sẽ mất khá nhiều thời gian.

"Những năm trước đây, cụ thể là từ 2017-2022, các câu hỏi phần Atlat luôn ghi rõ số trang. Còn năm nay, câu hỏi chỉ ghi tiêu đề. Thí sinh muốn biết trang Atlat đó nằm ở đâu phải tra mục lục. Thời gian tra có thể lên đến cả phút", cô T. chia sẻ với báo Dân trí. 

Cũng theo cô T., những nội dung khó nhất bài thi nằm ở câu biểu đồ. Các câu hỏi về biểu đồ lạ đến mức cô chưa từng gặp trong các đề thi của nhiều năm nay, bao gồm cả đề thi học sinh giỏi quốc gia môn địa lý. Bản thân là giáo viên nhưng cô T. cũng chưa từng hướng dẫn học sinh cách vẽ những biểu đồ này.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Mai - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) khẳng định: "Đề năm nay lạ và khó". Theo chia sẻ từ cô Mai, 21 câu hỏi phần lý thuyết chiếm 5,25 điểm nhưng không dễ lấy. Những câu về vùng kinh tế, ngành kinh tế đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tư duy logic tốt.

Chia sẻ với Dân trí, cô Mai thẳng thắn nêu quan điểm: "Phần Atlat không chỉ khó khi đòi hỏi học sinh phải nắm rất kỹ cách dùng Atlat, biết rõ trang nào có nội dung gì và còn nâng độ khó của các câu hỏi với những đối tượng không dễ tra cứu.

4 câu hỏi phần bảng số liệu thực sự khó, rất dễ gây nhầm lẫn. Học sinh phải biết tính toán, nắm chắc kiến thức và tư duy vận dụng cao mới có thể giải quyết".

Theo dự đoán của cô Mai, những thí sinh khá , có mục đích nộp hồ sơ vào các ngành khối C có thể đạt mức 7 điểm. Riêng những thí sinh thi các khối D, A1, chọn tổ hợp khoa học xã hội cho nhẹ nhàng thì sẽ khó để đạt 6 điểm.

Nhiều giáo viên địa lý đánh giá đề thi 'lạ' và khó, học sinh ngỡ ngàng vì chưa từng học - ảnh 2
Nhiều giáo viên địa lý đánh giá đề thi 'lạ' và khó, học sinh ngỡ ngàng vì chưa từng học - ảnh 3
Nhiều giáo viên địa lý đánh giá đề thi 'lạ' và khó, học sinh ngỡ ngàng vì chưa từng học - ảnh 4
Nhiều giáo viên địa lý đánh giá đề thi 'lạ' và khó, học sinh ngỡ ngàng vì chưa từng học - ảnh 5

Đề thi Địa lý được nhận xét có nhiều câu "lạ" và khó hơn so với năm trước

Khác với cô T. và cô Mai, thầy Trần Văn Tài (Hà Nội) có góc nhìn khác khi cho rằng câu hỏi Atlat hay biểu đồ không quá khó nếu học sinh được giáo viên ôn tập kỹ càng về kỹ năng. Thông thường, thầy Tài sẽ hướng dẫn học sinh cách sử dụng Atlat không phụ thuộc vào số trang để tránh mất thời gian. Thay vào đó, học sinh sẽ được hướng dẫn về đặc trưng của mỗi dạng biểu đồ. Khi hiểu được cơ cấu, tính chất biểu đồ thì học sinh không quá lúng túng khi giải quyết yêu cầu đề bài. Tuy nhiên, thầy Tài cũng cho biết, thí sinh sẽ khó đạt mức điểm trên 8,5 với đề địa lý năm nay. Đặc biệt mức điểm 10 sẽ rất hiếm.

Riêng đối với học sinh, nhiều em cảm thấy hoang mang và không chắc chắn vì những câu hỏi có phần lạ lẫm so với những gì mình đã ôn luyện. Trong đó, Em H.T.T (Trường THPT Cầu Giấy) cho biết em gặp khó khăn ở các câu kỹ năng Atlat như tìm trạm khí tượng có lượng mưa cao nhất, quy mô dân số giữa các tỉnh thành. 4 câu biểu đồ em không chắc chắn câu nào. T cho biết em chưa bao giờ bắt gặp dạng câu hỏi này trước đây và dự kiến chỉ đạt 7 điểm.

Nhiều giáo viên địa lý đánh giá đề thi 'lạ' và khó, học sinh ngỡ ngàng vì chưa từng học - ảnh 6

Nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc xem atlat

Trong khi đó, em N.T.T.M (Trường THPT Xuân Phương) chia sẻ với Dân trí: "Phần Atlat em có chút bất ngờ khi không thấy số trang. Tuy nhiên em đã ôn kỹ nên nhớ được nội dung trong câu hỏi ở trang nào. Phần biểu đồ em chỉ làm được 1 câu. 3 câu còn lại em có hỏi cô giáo và được cô cho biết là sai rồi.

Cô cũng động viên em, đó cũng là những câu hỏi khó, nhiều bạn làm sai. Em chưa từng được cô hướng dẫn những câu hỏi như thế này. Em không dám dự tính mức điểm vì muốn thi xong môn ngoại ngữ mới tra cứu lại đáp án chi tiết".

Ảnh: Tổng hợp

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục