Ngành học có cơ hội rộng mở là tiêu chí lựa chọn hàng đầu nhiều người, học ngành gì lương cao, sinh viên ra trường không lo thất nghiệp là câu hỏi được quan tâm hiện nay
Giới trẻ ngày nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức và một trong số đó chính là vấn đề việc làm. Học ngành gì để ra trường không bị thất nghiệp là câu hỏi chung của không ít học sinh mà ngay đến các bậc phụ huynh cũng băn khoăn. Đây là nỗi lo lắng hoàn toàn dễ hiểu, vì để học tốt và thành công trong bất cứ ngành nghề nào sau khi rời giảng đường là vấn đề vô cùng quan trọng. Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành học cho 3 đến 4 năm tới sao để bớt nguy cơ thất nghiệp là nhu cầu của nhiều người.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế vi mạch được săn đón, sau 5 năm có thể nhận lương hơn 3.000 USD mỗi tháng, gấp rưỡi ngành công nghệ thông tin.
Theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP HCM (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, khu vực TP HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng. PGS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết ngành vi mạch ở Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư, tại 50 công ty, chủ yếu là kỹ sư thiết kế vi mạch. Mỗi năm, những công ty này cần tuyển mới khoảng 150-200 kỹ sư.
Bên cạnh đó, nhiều công ty lớn, nổi tiếng thế giới như Infineon, Renesas, Marvell, Samsung đang định mở thêm văn phòng, nhà máy ở khu vực phía bắc. Vì vậy, ông Minh dự đoán thời gian tới, mỗi năm các doanh nghiệp cần tuyển mới khoảng 250-300 kỹ sư cho ngành thiết kế vi mạch.
Khảo sát của HSIA (Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP. HCM) cho thấy kỹ sư Thiết kế vi mạch có mức lương chênh lệch dựa trên số năm kinh nghiệm: Mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 - 30 triệu đồng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6 - 1 tỷ đồng mỗi năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Ở trường Đại học Bách khoa TP HCM, gần như mỗi tuần đều có công ty đến khoa Điện - Điện tử tìm kiếm nhân sự thiết kế vi mạch. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với sinh viên ngay từ năm thứ hai, ba thông qua những suất thực tập, công việc bán thời gian, học bổng. Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM, thậm chí một số doanh nghiệp ở Đông Nam Á cũng muốn tuyển nhân sự tại Việt Nam.