Các chuyên gia cho rằng ngành học này có cơ hội việc làm cao với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2015-2035, Việt Nam nằm trong top 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết đơn vị này cần tuyển bổ sung 100 kỹ sư mỗi năm cho công ty bảo dưỡng máy bay. Trong tương lai, khi cơ sở bảo dưỡng ở Long Thành đi vào hoạt động thì số kỹ sư cần tuyển có thể gấp đôi hay gấp ba. Trong 20 năm tới, toàn thị trường Đông Nam Á cần bổ sung khoảng 60.000 nhân viên kỹ thuật bởi số lượng máy bay sẽ tăng trưởng gần như gấp đôi.
Kỹ thuật hàng không là ngành đào tạo ra đội ngũ nhân tài, có trình độ cao về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng,… máy bay hay các thiết bị khác liên quan đến máy bay như là động cơ sức đẩy, cơ khí, thủy khí,… Hiện nay, ngành Kỹ thuật hàng không bao gồm có 2 mảng đó là Kỹ thuật hàng không vũ trụ (ngành này chủ yếu nghiên cứu về các vệ tinh, tàu du hành ngoài phạm vi của khí quyển trái đất) và ngành Kỹ thuật hàng không dân dụng (ngành này chủ yếu là thiết kế, chế tạo ra các loại máy bay trong phạm vi khí quyển).
Ngành kỹ thuật hàng không có nhu cầu nhân lực cao nhưng chưa đáp ứng đủ
Tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, chương trình ngành Kỹ Thuật hàng không bao gồm các nhóm môn cốt lõi cần thiết về nền tảng của kỹ thuật hàng không như Khí động lực học, Cơ học bay và điều khiển bay, Kết cấu hàng không, Hệ thống lực đẩy, Thiết kế và bảo dưỡng máy bay. Các nhóm môn học này được phát triển trên nền tảng của các môn học cơ sở như cơ học lưu chất, cơ học vật rắn, sức bền vật liệu, điều khiển tự động…
Khi theo học chương trình này, sinh viên sẽ được đào tạo thành những kỹ sư có tay nghề cao với mảng kiến thức nền rộng, có chất lượng và có kỹ năng vững vàng trong các hoạt động sau: Quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì và sửa chữa máy bay; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại máy bay nhỏ và các phương tiện giao thông lưỡng dụng (thuỷ phi cơ, tàu đệm khí…); Ứng dụng kiến thức trong các lĩnh vực liên quan: kỹ thuật hàng hải, năng lượng tái tạo, cơ khí, điều khiển tự động, xây dựng…
Ngành học đào tạo những kỹ sư có tay nghề cao trong việc bảo trì, sửa chữa máy bay
Hiện nay, ngành Kỹ thuật hàng không vẫn chưa có quá nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo. Một số trường hiện tại có thể kể đến như: Học viện Phòng không - Không quân, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Học viện Phòng không - Không quân, Trường Đại học Văn Lang.
Điểm chuẩn năm 2023 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tại các trường dao động từ 16-25.5 điểm. Thí sinh muốn theo học các trường này phải học tốt các khối A00, A01, D01, D07, C01.
Vì đây là ngành học “hot” nên mức lương cũng khá cao so với mặt bằng chung. Tại hội thảo về đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không do Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức ngày 23/5 vừa qua, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết ngành Kỹ thuật Hàng không có mức lương từ 20 - 50 triệu đồng.
Ngành kỹ thuật hàng không có ít trường đào tạo và thời gian học khá dài
Tùy theo trình độ, có thể chia mức thu nhập của nhân sự kỹ thuật hàng không thành 3 mức. Mức A là nhân sự có trình độ sơ đẳng, làm các công việc đơn giản như: thay dầu, bơm lốp máy bay, với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Mức B dành cho các kỹ sư kỹ thuật sửa máy bay, mức lương khoảng 35 - 40 triệu đồng/tháng. Mức C dành cho các nhân viên bảo dưỡng định kỳ cho máy bay, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, có những vị trí lương 100 triệu đồng/tháng. Nhân sự ở mức này cần tư duy rất cao, ngoại ngữ tốt và hòa nhập được với môi trường quốc tế.
Đây là ngành có cơ hội việc làm cao với mức lương ấn tượng
Ông Tạ Minh Trọng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục hàng không Việt Nam cho hay, Kỹ thuật hàng không là ngành đặc thù, chi phí đào tạo lớn. Sinh viên mới ra trường chỉ có thể làm các công việc đơn giản như: thay dầu, bơm lốp. Để nhận lương cao thì sinh viên phải có thêm giấy chứng nhận B1 hoặc B2 trong bảo dưỡng, sửa chữa máy bay - thời gian đào tạo thêm khoảng 4 - 5 năm.
Như vậy, tổng thời gian đào tạo cho kỹ sư kỹ thuật cao của ngành hàng không cần ít nhất khoảng 10 năm, khá lâu so với nhiều ngành học khác.