Trải qua 4 năm đại học như bao người, đến khi tốt nghiệp, nam sinh mới biết hóa ra ngay từ đầu mình chưa bao giờ trúng tuyển. Bốn năm thanh xuân cũng hao phí.
Câu chuyện của nam sinh tên Trương Bằng và 31 sinh viên khác từng khiến cộng đồng mạng và dư luận "dậy sóng". Cách đây không lâu, nam sinh Trương Bằng từng nhập học vào trường Đại học Vũ Hán - một trong những ngôi trường top đầu của Trung Quốc với số lượng sinh viên rất lớn. Nam sinh trải qua 4 năm rèn giũa trên ghế nhà trường, được đi học quân sự và hoạt động ngoại khóa như bạn bè. Tuy nhiên, đến ngày tốt nghiệp, Trương Bằng mới ngỡ ngàng được thông báo hóa ra ngay từ đầu, anh chưa bao giờ trúng tuyển vào trường?!
Mọi chuyện bắt đầu khi Trương Bằng 18 tuổi, anh muốn được vào ngôi trường Đại học Vũ Hán danh tiếng. Một người quen đã ngỏ lời giới thiệu "dịch vụ đặc biệt" cho gia đình Trương Bằng để "chạy" suất vào trường top. Lệ phí trả cho "dịch vụ đặc biệt" này lên đến 150.000 NDT (khoảng 500 triệu đồng).
Ban đầu, gia đình Trương Bằng không đồng ý, tuy nhiên suy xét đến vấn đề tỉ lệ cạnh tranh cao, cuối cùng họ cũng thỏa hiệp. Nam sinh 18 tuổi được nhận vào khoa Tài chính của Đại học Vũ Hán. Anh được sắp xếp đến trường học và sống trong ký túc xá như bao người. Những đứa bạn cùng phòng với Trương Bằng cũng vào trường thông qua "dịch vụ đặc biệt" như anh.
Mức học phí của 32 sinh viên đặc biệt này cao hơn nhiều so với mức thu của nhà trường. Trương Kiệt - người nắm giữ "dịch vụ đặc biệt" giải thích rằng vì vào trường bằng việc "chạy" suất nên số tiền học phí cũng đắt đỏ hơn sinh viên thông thường.
Suốt 4 năm học, Trương Bằng và 31 người bạn cùng lớp đều được trải nghiệm các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, thay vì học quân sự chung với sinh viên toàn trường thì lớp của Trương Bằng phải đến khu riêng để học, không có thẻ sinh viên, không có thẻ nhà ăn. Mỗi lần đến kỳ thi, cả lớp Trương Bằng đều kiểm tra tách biệt với mọi người.
Đến năm cuối Đại học, Trương Bằng thấy các bạn khác đều chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp còn mình thì không. Thấy lạ, Trương Bằng đi thẳng đến Văn phòng của trường để hỏi thì nhân viên nhà trường thông báo rằng trong danh sách hệ thống vốn không có tên của Trương Bằng. Điều này đồng nghĩa Trương Bằng chưa từng là sinh viên của trường.
Sau khi tìm hiểu, Trương Bằng mới biết hóa ra không chỉ riêng mình mà 31 bạn học từ "dịch vụ đặc biệt" cũng đều có cảnh ngộ tương tự. Trương Bằng gọi điện cho Trương Kiệt nhưng người kia tắt máy và bỏ trốn.
Vụ việc khiến nhiều sinh viên và phụ huynh bức xúc. Họ mang giấy báo nhập học 4 năm trước lên xác minh thì trường nói rằng giấy báo này đã được làm giả. Như vậy, 32 sinh viên trong lớp "dịch vụ đặc biệt" vốn sĩ không phải sinh viên của trường và không bao giờ được công nhận tốt nghiệp.
Tuy vụ việc xuất phát điểm do kẻ xấu lừa đảo nhưng nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Nếu trường học quản lý nghiêm minh và sát sao hơn thì kẻ xấu không thể lợi dụng kẽ hở để lừa gạt người khác. 5 năm sau, cảnh sát điều tra ra băng nhóm lừa đảo này và họ đã bị kết án vào tù. Mặc dù vậy, số phận của nam sinh Trương Bằng và hơn 30 sinh viên cùng lớp vẫn là câu chuyện được nhắc đến mãi.
Ảnh: Tổng hợp