Sau khi đứa trẻ làm toán 1+5+5=11 xong nộp bài thì bị cô giáo gạch bỏ vì sai kết quả. Nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc nhưng khi nghe giải thích thấy hoang mang.
Một bài đăng xuất phát từ phụ huynh có con đang học tiểu học trên diễn đàn mạng xứ Trung đang làm dấy lên nhiều tranh luận. Người phụ huynh này nói rằng: "Đề nghị hủy bỏ những câu hỏi dạng này. Toán học không phải một trò chơi chữ. Tôi rất tức giận".
Ngoài dòng trạng thái bộc lộ cảm xúc, người phụ huynh còn chia sẻ bài làm toán của con mình lên mạng để nhờ dư luận phân định ai đúng ai sai. Người phụ huynh này nói thêm, chuyện là ít ngày trước, con của anh được cô giáo giao một bài tập toán với nội dung đọc sơ qua thấy khá đơn giản.
Tuy nhiên, sau khi anh hướng dẫn con làm toán xong, nộp lên cho cô giáo thì lại bị cô giáo gạch chéo cho rằng sai kết quả. Đứa con về nhà đã hỏi thẳng bố của mình: "Làm thế nào mà bố lấy được bằng tốt nghiệp đại học thế?" Chính câu nói trên khiến ông bố càng thêm "phát hỏa" và quyết tâm lên mạng đòi lại công bằng.
Đề bài toán như sau:
Tiểu Minh tham gia một cuộc thi chạy trong trường. Trên đường đua vòng tròn, có 5 người phía trước Tiểu Minh và 5 người phía sau Tiểu Minh. Hỏi tổng cộng có bao nhiều người?
Nghe qua thì có vẻ rất đơn giản, chỉ cần áp dụng phép toán cộng, lấy Tiểu Minh làm trung tâm, sau đó cộng thêm 5 người phía trước và 5 người phía sau sẽ được đáp án: 1+5+5=11. Người bố cảm thấy câu hỏi này không thể làm khó được trình độ của mình nên vô cùng ung dung , thoải mái.
Ai ngờ mấy ngày sau, con trai lại bị điểm kém làm Toán vì bài giải này đã làm sai. Người bố kiểm tra nhiều lần vẫn không biết mình đã làm gì không đúng. Sau đó, anh đã liên hệ giáo viên của con trai để hỏi rõ thì nhận được câu trả lời:
"Vì mọi người đang chạy trong một vòng tròn khép kín, lấy Tiểu Minh làm gốc thì 5 người sau lưng cũng là 5 người trước mặt. Như vậy, đáp án là 1+5=6, có tổng cộng 6 người. Câu hỏi này dành cho học sinh giỏi không chỉ kiểm tra trình độ toán học mà còn kiểm tra logic, tư duy của các em. Vậy nên đây là 1 câu hỏi mẹo".
Người bố nghe xong càng thêm phẫn nộ. Anh cho rằng nếu là câu hỏi mẹo thì trước đó phải nói rõ với học sinh. Không thể nào một đứa trẻ tiểu học có thể tự nhìn nhận được tư duy logic như trên để giải bài này. Người bố nói thêm, thực chất, kiểm tra tư duy là điều tốt nhưng đây là kiểu đề lắt léo, mang tính đánh đố có thể khiến nhiều học sinh có nhận định sai, tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Ảnh: Tổng hợp