Vốn dĩ tự hào khi đặt tên cho con vừa hay, vừa ý nghĩa, người bố không ngờ con gái đi học về xong đòi đổi tên ngày vì cô giáo không dám gọi tên lên bảng.
Một trong những điều khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu sau khi sinh con chính là làm sao đặt tên cho con vừa hay, vừa ý nghĩa, vừa mang hàm ý tốt đẹp. Nguyên nhân bởi người xưa quan niệm, cái tên là thứ sẽ theo mỗi con người chúng ta đến hết cuộc đời. Vậy nên việc đặt một cái tên hay sẽ mang lại nhiều may mắn, cát lộc cho đứa trẻ đó.
Ngoài ra, một cái tên tốt còn thể hiện sự kỳ vọng, ước mong của phụ huynh gửi gắm đứa con của mình. Tuy nhiên, không ít chuyện oái oăm xảy ra liên quan đến cái tên của đứa con khiến các ông bố bà mẹ phải đau đầu.
Mới đây, một câu chuyện xảy ra trong gia đình của người đàn ông họ Phương sống ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) khiến nhiều người suy ngẫm về việc đặt tên cho con. Theo ông Phương cho biết, họ của ông bắt nguồn từ Đế Nghiêu - một vị vua cổ đại và mang tính huyền thoại trong dã sử Trung Hoa. Đây cũng là vị vua thuộc Ngũ Đế có công trong việc tạo nên nền móng của Trung Quốc ngày nay.
Từ nhỏ, ông luôn sống trong niềm tự hào vì bản thân là hậu duệ của vua Đế Nghiêu. Sau khi biết vợ mang thai, ông Phương vô cùng vui mừng, phấn khởi. Từ lúc đứa trẻ chưa chào đời, ông Phương đã tham khảo nhiều sách vở để đặt tên cho con thật ý nghĩa. Ông Phương vắt óc suy nghĩ, tham khảo nhiều người xung quanh và cuối cùng đã chọn ra một cái tên ưng ý.
Được biết, vợ ông Phương sinh hạ một bé gái. Vì em bé chào đời trong một ngày tuyết rơi nên ông Phương quyết định gọi con là Phương Tuyết. Ngoài ra, cái tên này còn mang hàm ý mong đứa trẻ lớn lên thông minh, lanh lợi và gặp nhiều điều may trong cuộc sống.
Thời gian trôi qua, khi Phương Tuyết tròn 6 tuổi, cô bé nhập học trường tiểu học. Thế nhưng sau vài ngày đến lớp, Phương Tuyết trở về nhà trở nên ít nói, trầm tính, lúc nào cũng ủ rũ chán nản khiến vợ chồng ông Phương vô cùng lo lắng.
Ông Phương cứ ngỡ con gái bị bạn bè ở trường bắt nạt nên hỏi thăm. Ai ngờ ông nhận được câu trả lời khiến hai vợ chồng bất ngờ: "Bố ơi, con không muốn tên Phương Tuyết nữa. Con nhiều lần giơ tay trong giờ học mà cô giáo không gọi con. Khi con hỏi thì cô nói là không dám đọc tên con".
Ông Phương không hiểu chuyện gì xảy ra nên gọi điện thoại hỏi cô giáo. Kết quả nghe lời giải thích của giáo viên khiến ông nghẹn họng, không biết đáp sao cho phải. Nguyên nhân do tên Phương Tuyết đồng âm với 2 chữ "tan học" trong tiếng Trung. Chính vì vậy cô giáo không dám đọc tên Phương Tuyết vì sợ các bạn học hiểu lầm là cô giáo cho ra về, dễ gây mất trật tự trong lớp. Ngoài ra, Phương Tuyết cũng bị bạn bè trêu chọc vì có phát âm tên khá lạ.
Ban đầu, ông Phương không suy xét đến hiện tượng đồng âm khi đặt tên nên dẫn đến thiếu sót. Sau khi biết mọi chuyện, ông Phương quyết định thêm chữ Thụy vào giữ tên của con, đổi thành Phương Thụy Tuyết để tránh sự trêu chọc của mọi người.
Ảnh: Tổng hợp