Bài toán Olympia với đáp án đơn giản không cần dùng máy tính vẫn có thể giải được, nhiều người bày tỏ sự thắc mắc về tính logic.
"Đường Lên Đỉnh Olympia" là một sân chơi trí tuệ thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi, đặc biệt là các học sinh trung học phổ thông. Trong các gói câu hỏi, ban tổ chức chương trình thường đan xen nhiều nội dung khác nhau nhằm tìm kiếm những thí sinh có kiến thức toàn diện nhất. Sau hơn 20 năm lên sóng, chương trình vẫn tạo được sự thu hút từ đông đảo các bạn học sinh trên cả nước. Do vậy, các câu hỏi xuất hiện trong chương trình cũng được dân mạng soi rất kỹ.
Còn nhớ, một bài toán "chỉnh giờ đồng hồ" trong Đường Lên Đỉnh Olympia dễ như cho, không cần máy tính vẫn giải ra nhưng lại gây tranh cãi vì chi tiết phi lý. Theo đó, trong số phát sóng đầu tiên của năm thứ 22, có xuất hiện một câu hỏi Toán học ở phần Về đích như sau: "A có một chiếc đồng hồ, sau mỗi giờ nó lại bị chậm thêm 5 phút. Hằng ngày, A điều chỉnh đồng hồ về lại giờ chính xác vào lúc 9h sáng. Hỏi vào lúc 9h sáng ngày hôm sau, trước khi A chỉnh về giờ đúng, đồng hồ đang chỉ mấy giờ?"

Đáp án đúng của chương trình cho biết rằng trước khi A chỉnh đồng hồ về giờ đúng, nó đang chỉ 7 giờ. Một thí sinh đã giải thích rằng: sau mỗi giờ, đồng hồ bị chậm thêm 5 phút. Điều này có nghĩa là từ 9h sáng hôm trước đến 9h sáng hôm sau (24 giờ), đồng hồ sẽ chậm 120 phút (5 x 24), tương đương với 2 tiếng. Do đó, đồng hồ của A thực tế đang chỉ 7 giờ trước khi được chỉnh lại.
Tuy nhiên, nhiều khán giả thắc mắc về tính logic của bài toán. Họ đặt câu hỏi tại sao A lại sử dụng một chiếc đồng hồ bị lệch giờ và phải chỉnh hằng ngày, trong khi A có thể sử dụng thiết bị khác để biết rằng đã đến 9h sáng hôm sau. Nhiều bình luận đề nghị A nên bỏ chiếc đồng hồ này đi để khỏi phải mất công chỉnh lại mỗi sáng.

Dù gây tranh cãi, song đây chỉ là một tình huống giả định do chương trình tạo ra để thử thách thí sinh. Có thể hơi thiếu thực tế, nhưng ở một góc độ nào đó, câu hỏi vẫn khá thú vị. Có thể thấy, những câu hỏi thuộc lĩnh vực Toán học trong chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia tưởng khó nhằn nhưng đôi lúc cũng khá đơn giản. Nhưng ở chính các câu hỏi này đôi khi lại làm khó thí sinh vì tâm lý thi đấu. Ở các câu hỏi này, thí sinh nếu dành quá nhiều thời gian để tính nhẩm sẽ đánh mất cơ hội dành điểm ở các câu hỏi sau. Do vậy, chiến thuật về tốc độ cũng nên được coi trọng.