Sau khi thực hiện phép toán, bài toán 18-5=13 của học sinh lại bị cô gái gạch sai và cho rằng đáp án đúng là 23 gây tranh cãi dữ dội.
Toán học là bộ môn khoa học được truyền đạt đến học sinh từ khi các em mới vào tiểu học. Bằng những con số và phép toán, học sinh sẽ làm quen và nâng cao trình độ tính toán theo từng cấp bậc. Ngày nay, nhiều trường học ưu tiên lựa chọn những bài toán mang yếu tố đánh đố để học sinh vận dụng logic và kiến thức xã hội đưa ra đáp án chính xác nhất.
Tuy nhiên, không ít lần, ngay cả giáo viên cũng có sự nhầm lẫn tai hại. Ví như trong bài toán đố đang được chia sẻ rần rần trên mạng xã hội đã trở thành đề tài được mọi người quan tâm bàn tán.
Cụ thể, cô giáo đưa ra một bài toán đơn giản yêu cầu học sinh thực hiện. Đề bài toán là: "Sau khi Nam cho Bắc 5 cái kẹo thì Bắc có 18 cái kẹo. Hỏi lúc đầu Bắc có bao nhiêu cái kẹo?"
Ở phần tóm tắt, học sinh liệt kê những dữ kiện trên đề bài như "Nam cho Bắc 5 cái kẹo", "Bắc có tổng cộng 18 cái kẹo", "Hỏi ban đầu Bắc có bao nhiêu cái kẹo?". Sau đó, học sinh thực hiện phép tính trừ, lấy số kẹo mà Bắc có tổng cộng, trừ đi số kẹo mà Bắc được Nam cho là 5 cái kẹo. Như vậy, ban đầu Bắc có: 18-5=13 cái kẹo.
Những tưởng đây là một bài toán tiểu học hết sức đơn giản, tuy nhiên sau khi nộp bài, học sinh đã bị cô giáo gạch bỏ và chấm sai. Đáp án đúng mà cô giáo sửa lại là 23 cái kẹo sau khi thực hiện phép toán cộng: 18+5=23.
Thế nhưng lời giải của cô giáo đã vấp phải sự tranh cãi và phản đối gay gắt từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng lỗi sai là do cô giáo chứ không phải ở học sinh vì có lẽ cô giáo đã có sự nhầm lẫn khi đọc đề bài. Nhiều khả năng cô giáo đã nhìn lầm cụm từ "Nam cho Bắc" thành "Bắc cho Nam" hoặc bỏ sót chữ "lúc đầu Bắc có bao nhiêu cái kẹo" và đọc thành "lúc sau Bắc có bao nhiêu cái kẹo".
Nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc khi cô giáo dạy học trò nhưng lại nhầm lẫn tai hại như thế:
- Cô sai vì sau khi Nam cho Bắc 5 cái kẹo thì Bắc mới có 18 cái kẹo, như vậy số kẹo mà ban đầu Bắc có phải ít hơn 18 cái kẹo, không thể nào có chuyện ban đầu Bắc có 23 cái kẹo được. Câu hỏi dạng đánh đố nhưng có vẻ cô giáo cũng nhầm lẫn rồi
- Đề bài ban đầu đã có sự "hack" não không hề nhẹ, việc viết đề bài theo phương pháp nghịch đảo để đi tìm ẩn số sẽ khiến nhiều người lầm tưởng
- Chắc do cô giáo nhầm thôi chứ kết quả 13 cái kẹo là đúng rồi, không thể nào sai được
- Quan ngại về trình độ đọc hiểu đề bài toán của cô giáo quá, nhầm lẫn như vậy thì sao dạy học trò được đây?
- Cô giáo đọc lộn bài đúng không, chắc bài hỏi "lúc đầu" mà cô giáo nhầm thành "lúc sau" nên mới sửa lại là phép toán cộng