Việc trượt Đại học có thể khiến nhiều thí sinh buồn bã, nhưng đây không phải là cánh cửa duy nhất để đến với những thành công trong tương lai.
Ngày 22/8 sắp tới, theo chủ trương từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là thời gian chậm nhất các trường Đại học công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển. Đến ngày 6/9, các thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống.
Như vậy chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, các thí sinh đăng ký xét tuyển Đại học năm nay sẽ biết được kết quả của mình. Sau 12 năm đèn sách, ai cũng mong muốn đỗ vào ngôi trường mình yêu thích và mong muốn. Nếu không may chưa đủ điều kiện đỗ vào trường, nhiều thí sinh sẽ không tránh khỏi sự buồn chán, thất vọng. Tuy nhiên vẫn có những định hướng khác ngoài con đường học Đại học.
Các thí sinh sẽ biết đỗ hay trượt Đại học vào ngày 22/8 tới (Ảnh Báo Quân đội nhân dân)
Trên thực tế cuộc sống, có rất nhiều người không học Đại học, mà học nghề hay đi tìm công việc làm vẫn thành công, cuộc sống sung túc và kinh tế ổn định. Tất nhiên học Đại học đúng ngành yêu thích, sau 4-5 năm ra trường có công việc phù hợp là điều mà ai cũng mong muốn. Nhưng nếu không đúng như kế hoạch đã định thì hãy lạc quan rẽ sang hướng khác theo phương châm "thua keo này bày keo khác". Có 5 điều mà những thí sinh không may trượt Đại học năm nay có thể lưu ý.
Thi lại Đại học vào năm sau
Sự nghiệp học hành là cả đời, một lần thất bại sẽ có những cơ hội để làm lại trong lần tiếp theo. Nếu năm nay chưa đỗ, có thể dành thêm 1 năm để ôn luyện kỹ càng hơn và thi lại vào năm sau. Một năm không quá dài, vừa đủ để các thí sinh định hướng lại ngành học của bản thân. Tuy nhiên điều này đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng.
Khi thi lại, các thí sinh có thể dự thi với tư cách thí sinh tự do, đăng ký những tổ hợp mà trường Đại học xét tuyển. Tập trung ôn kỹ những tổ hợp đã chọn để có kết quả tốt nhất.
Nếu trượt Đại học năm nay, có thể thi lại vào năm sau (Ảnh minh họa)
Đi học nghề
Học nghề cũng là một lựa chọn được nhiều người ưu tiên nếu trượt Đại học. Học nghề giúp người học được đào tạo nghề một cách chuyên sâu, được thực hành, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ liên quan. Sau khi ra nghề, có thể tự tin với kỹ năng nghề nghiệp và từ đó kiếm tiền bằng nghề đã học.
Trên thực tế có những thí sinh không mấy hứng thú với học văn hóa nhưng lại có năng khiếu học nghề, khi chuyển sang học nghề yêu thích thì làm rất tốt và thành công với công việc sau này.
Tìm việc làm
Nếu không đỗ trường Đại học thì có thể lao vào "trường đời", tìm những công việc trong xã hội để va vấp, làm quen từ đó trưởng thành hơn. Có rất nhiều công việc hiện này không đòi hỏi phải có bằng Đại học.
Việc đi làm sớm cũng khiến cho mỗi chúng ta mạnh dạn, tự tin và có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Đi làm, lăn xả để tự kiếm được đồng lương bằng sức lao động, đồng thời đúc rút những bài học quý giá.
Học nghề cũng là một lựa chọn hay ho với những ai không may trượt Đại học (Ảnh minh họa)
Đi du học
Với những gia đình có điều kiện, nếu không đỗ Đại học trong nước có thể lựa chọn con đường đi du học. Hoặc nếu không có thể xin phép bố mẹ đầu tư cho một khoản chi phí để đi du học nước ngoài, mở mang tầm mắt và thu nạp kiến thức ở môi trường mới.
Khi đi du học, mỗi người có thể tiếp cận được với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều ngôn ngữ, lối sống để có thế giới quan đa dạng hơn. Không ít các bạn du học sinh vừa học vừa làm, thậm chí có công việc kiếm tiền ổn định ở nước ngoài để thực hiện những ước mơ của mình và phụ giúp lại cho gia đình.
Đừng từ bỏ hy vọng
Việc trượt Đại học chắc chắn không ai cảm thấy vui vẻ, nhưng không nên vì nỗi sợ bạn bè dè bỉu, áp lực từ người thân mà từ bỏ những hy vọng, ước mơ riêng. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra và Đại học không phải là cánh cửa duy nhất. Hãy tin tưởng vào bản thân, hạ quyết tâm theo đuổi đam mê. Thành công sẽ đến với những ai biết học hỏi, chăm chỉ và nắm bắt cơ hội.