Những sinh viên năm nhất chuẩn bị lên các thành phố lớn nhập học cần chú ý những điều này để làm quen với môi trường mới, tránh bỡ ngỡ hay vấp phải những "cạm bẫy".
Trong thời gian tới, nhiều thí sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện...trên cả nước sẽ chính thức trở thành tân sinh viên. Với những sinh viên năm nhất xa nhà, tới các thành phố lớn để học tập, cần phải chuẩn bị kỹ hành trang cũng như lưu ý nhiều điều khi bước vào môi trường mới.
Sinh viên năm nhất nhập học cần lưu ý kỹ một số điều (Ảnh Giáo dục Thủ đô)
Chi phí
Khi đến thành phố lớn học tập, sinh viên sẽ phải bỏ ra chi phí lớn ban đầu cho phương tiện đi lại, học phí nhập học, thuê nhà/phòng trọ...Ngoài những chi phí này, các sinh viên nên chuẩn bị một khoản dự phòng để sử dụng vào những việc thiết yếu như mua sắm đồ đạc phục vụ sinh hoạt, sách vở...
Nếu được ba mẹ cho tiền để lên nhập học, tốt nhất nên để vào thẻ ngân hàng, tránh đem nhiều tiền mặt trong người hạn chế rủi ro. Ngoài ra cần cân đối chi tiêu khi bắt đầu tự lập, quản lý tiền bạc một cách hợp lý.
Đồ dùng cá nhân và giấy tờ cần có
Bên cạnh những giấy tờ theo yêu cầu nhập học của từng trường, một số giấy tờ cần thiết bắt đầu cuộc sống sinh viên cần có và phải giữ gìn cần thận như: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, Thẻ bảo hiểm y tế, Thẻ ngân hàng, Bằng lái xe (nếu có), Thẻ sinh viên (nhà trường cung cấp sau khi nhập học)...Cùng với đó là chiếc điện thoại để có thể liên lạc với người thân, bạn bè...
Sinh viên năm nhất nhập học cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết (Ảnh Đại học Kinh tế TP.HCM)
Về việc mua sắm đồ cá nhân cho cuộc sống sinh viên, có thể tìm đến các địa chỉ chuyên bán đồ cho sinh viên, chợ sinh viên với giá thành rẻ. Nên ghi ra danh sách những món đồ cần mua và nếu được hãy nhờ người thân hoặc người có kinh nghiệm hỗ trợ bước đầu trong việc này.
Chọn ở ký túc xá trước tiên nếu trường có cung cấp dịch vụ này
Hiện nay đa phần các trường Đại học đều sẽ có ký túc xá dành cho những sinh viên ở xa có nhu cầu. Với những sinh viên năm nhất nhập học, nên liên hệ với nhà trường để đăng ký ở ký túc xá thời gian đầu để quen dần với môi trường. Sau đó khi đã có các mối liên hệ bạn bè, tìm hiểu kỹ hơn về các khu nhà trọ, nếu muốn có thể chuyển ra ngoài sinh sống.
Nên chọn ở ký túc xá khi mới lên thành phố nhập học (Ảnh Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM)
Ở ký túc xá có nhiều tiện lợi khi dễ dàng làm quen với bạn bè mới, đảm bảo an ninh an toàn, gần trường học, giá phòng rẻ...
Phương tiện đi lại
Xe bus gần như là phương tiện phổ biến nhất với sinh viên. Thường các nhà xe bus sẽ có chương trình hỗ trợ chi phí cho sinh viên các trường, nhiều bạn sẽ sử dụng vé tháng để thuận lợi trong việc chi chuyển.
Đi xe bus cũng đảm bảo an toàn, không lo bị lạc đường hay những vấn đề khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên cần cẩn trọng khi đi xe bus lúc đông người, tránh các trường hợp lợi dụng móc túi cướp tài sản.
Xe bus là phương tiện phổ biến với sinh viên (Ảnh Thanh Niên)
Nếu có điều kiện, sinh viên có thể sắm xe máy để chủ động hơn trong việc di chuyển. Xe đạp cũng là một lựa chọn hay ho với sinh viên nếu sống gần trường.
Tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà trường
Hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện...đều sẽ có những chương trình hỗ trợ tân sinh viên rất tận tình trong nhiều vấn đề. Chính vì vậy các sinh viên đừng ngần ngại liên hệ với các phòng ban chức năng, thầy/cô giáo, bạn bè, anh chị khóa trước, các câu lạc bộ...trong trường đang theo học để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.
Nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong các vấn đề về học tập lẫn cuộc sống (Ảnh Đại học Phenika)
Khi có vấn đề khó khăn cần giải quyết, hãy liên hệ với nhà trường kể cả trong cuộc sống lẫn học tập.
Ảnh: Tổng hợp