Khi nền tảng Tik Tok ngày càng phổ biến, nhiều người lo ngại các Youtuber sẽ lép vế. Nhưng với Thiên An - người được biết đến với danh xưng “thánh parody” lại cho rằng đây là cơ hội để mở rộng đối tượng khán giả, ai thích nghi được thì sống, không sẽ bị đào thải. Đó là điều tất yếu của bất kỳ nghề nào không riêng gì người làm Youtube.
Từng được vinh danh là một trong những “Nhà sáng tạo Youtube ấn tượng" của năm, Thiên An nhận định như thế nào về xu hướng của khán giả hiện nay?
Thật ra trước giờ An làm những gì An thích rồi may mắn nhận được sự đồng điệu từ khán giả thế thôi chứ không dám chắc cái mình làm có phải là xu hướng hay không. Các clip của An đa phần lúc nào cũng có yếu tố hài hước , vui vẻ vì mong muốn đem đến sự thư giãn cho người xem nên chắc có lẽ đó cũng là 1 phần xu hướng nhỉ.
Nổi tiếng với hàng loạt clip Parody và series phim dài tập dành cho giới trẻ, nhưng ít ai biết rằng Thiên An cũng từng trải qua 1 giai đoạn vô cùng khó khăn khi sản phẩm của mình không được đón nhận. Bạn đã trải qua khoảng thời gian này như thế nào?
Trước khi làm clip Parody với vai trò là KOL thì An là giám đốc sản xuất, giai đoạn đó ekip cũ của An thường chú trọng làm phim lấy nước mắt, rồi phim ngôn tình, thậm chí các bạn làm cả phim kinh dị nhưng không thích làm hài, các bạn bảo cái đó nhảm nhí. Thời gian đó vừa phải cân đối chi phí để sản xuất các clip , vừa chịu áp lực từ việc sản phẩm không được đón nhận, quả thật không dễ chịu. Dù An đã cố gắng hỗ trợ & thuyết phục các bạn làm cùng nhưng sau cùng không tìm được tiếng nói chung nên sau cùng kết quả là không thể đi cùng nhau. Tại thời điểm đó, hầu như kinh phí hoạt động không còn nữa. Đó là thời điểm cận Tết, An quyết định dốc túi 15 triệu riêng cuối cùng của mình tự làm 1 clip Parody Hài cho thỏa sở thích cá nhân rồi xách balo đi về ăn Tết thì đang đi trên đường người bạn của An gọi thông báo clip đạt được 1 triệu view. Trước đó 100k view đã là xa xỉ rồi nên lúc đó An còn không tin vội lên Youtube xem. Cảm giác bao nhiêu buồn tủi thật sự như chưa hề tồn tại. Hạnh phúc lắm.
Bên cạnh Youtube, những năm qua TikTok cũng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng, bạn đánh giá như thế nào về nền tảng này?
Tiktok là 1 nền tảng hấp dẫn, không quá khắt khe về chất lượng hình ảnh, mở ra nhiều cơ hội để các bạn trẻ thoải mái chia sẻ và tự tin thể hiện mình ở bất cứ đâu. Dù thời lượng cho 1 clip bị hạn chế, nhưng thích hợp giải trí bất cứ lúc nào nếu thời gian quá bận rộn.
Còn Youtube lại là nơi có thể giải trí xem các tập phim hay, góc máy đẹp, thời lượng dài để cho các nhà sáng tạo truyền tải thông điệp và cảm xúc. Nền tảng nào cũng có cái hay và thế mạnh riêng, mỗi nhà sáng tạo đều có thể tận dụng cả 2 nền tảng này thì càng giúp tiếp cận khán giả hơn càng tốt chứ sao.
Bỏ ra tâm huyết cũng như đầu tư kinh phí lớn để cho ra sản phẩm tốt nhất nhưng lại không được đón nhận như 1 clip cắt ghép trên TikTok có khiến bạn chạnh lòng?
An nghĩ như vầy, lượt xem 1 clip 15s khác với lượt xem 1 clip 15 phút rất xa. Độ nhận biết của khán giả cũng hoàn toàn khác nhau. Nội dung truyền tải cũng khác nhau. Được đón nhận trên nền tảng nào với An cũng là niềm vui cả nên trừ khi không có tiền làm clip mới chạnh lòng thôi chứ còn lại thì không có gì để nghĩ.
Thời gian gần đây đã dậy sóng lên luồng tranh cãi về việc các nhiều nhà sáng tạo nội dung vì lợi ích trước mắt và đưa những nội dung tiêu cực, độc hại để câu view, bạn nghĩ ghì về việc này?
Thời gian gần đây có khá nhiều ý kiến trái chiều hướng vào các nhà sáng tạo Youtube khi cho rằng nội dung tác động không tốt đến đời sống & tư tưởng của giới trẻ, An nghĩ điều đó hoàn toàn chính xác. Khi thần tượng hay yêu thích một ai, các bạn trẻ thường có xu hướng bắt chước họ. Nhưng không phải ai cũng phân biệt được đúng - sai và chắt lọc nội dung tiêu cực, đặc biệt là các em nhỏ. Chính vì thế, đối với những người sáng tạo nội dung cần hết sức cẩn trọng trước khi cho ra mắt một sản phẩm, hay mang đến thông điệp, hình ảnh nào đó.
Theo bạn, khó khăn lớn nhất của các nhà sáng tạo nội dung trẻ hiện nay trên các nền tảng là gì?
Dù Youtube hay bất kỳ nền tảng nào cũng có những quy định rất nghiêm ngặt dành cho các nhà sáng tạo nội dung, bên cạnh yếu tố giải trí, chúng ta còn phải đảm bảo tính giáo dục, hạn chế tối đa những vấn đề nhạy cảm, tiêu cực gây ảnh hưởng không tốt đến người xem, đặc biệt là các bạn nhỏ tuổi.
Nếu tinh ý, các bạn sẽ thấy khi làm về các sản phẩm về chủ đề học đường thậm chí là chủ đề giang hồ, An và ekip đều hạn chế tối đa các cảnh đánh nhau, có sử dụng yếu tố bạo lực mà thay vào đó những cách giải quyết nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt cực kỳ chú trọng việc lòng ghép bài học cuộc sống vào sản phẩm của mình vì theo An không mâu thuẫn nào được giải quyết bằng nắm đấm cả, có chăng nó chỉ tạm thời kết thúc ở một thời điểm mà nó xuất hiện mà thôi.
Thiên An có thể chia sẻ thêm 1 số dự định trong thời gian tới?
Thật sự An muốn làm nhiều thứ lắm, nhạc chế cũng muốn, phim cũng muốn, làm hài cũng muốn mà làm drama kiểu hack não cũng muốn. Nói chung là ấp ủ nhiều lắm, nhưng mỗi sản phẩm đều cần thời gian đầu tư & chất xám không ít nên không nhanh được thôi. Sắp tới thì An làm Series Madam An, bên cạnh đó “Chị Đại Chuyển Trường Phần 3” đạt được hơn 500K Like rồi, nên An cũng đang rục rịch làm Phần 4 để cảm ơn khán giả đã nhiệt tình ủng hộ cho Series Nhạc chế này .
Nhắc về Madam An, bạn đã ấp ủ và lên kế hoạch cho dự án phim này bao lâu? Khác với những dự án phim về học đường, chủ đề trinh thám lần này có khiến bạn gặp nhiều khó khăn?
Thật ra đề tài Trinh thám là đề tài An cũng thích từ lâu. Trước đây An cũng từng làm 01 clip Nhạc chế tên là “Thám tử chuyển giới” mang tính chất trinh thám rồi. Dù khá được yêu thích, nhưng thời điểm đó, mọi người hiểu lầm nó đề cập vấn đề giới tính. Sẵn đây An xin được nói rõ đây là câu chuyện trong Nhạc chế “Thám Tử Chuyển Giới” chỉ đơn giản nói về nhân vật Nữ Thám Tử sẽ bị biến hóa lúc thành một người nam, lúc thành nữ trong những điều kiện nhất định do bị ảnh hưởng bởi 1 lời nguyền của 1 cổ vật. Chính điều này sẽ tạo nên các tình huống dở khóc dở cười khi phá án chứ không đề cập hay cổ xúy bất kỳ vấn đề gì đến cộng đồng LGBT như mọi người lầm tưởng thậm chí có phần công kích An, nên sau đó An lại…buồn và cảm xúc bị tuột hẳn nên không chắp bút viết tiếp được. Còn giờ, sau khi hoàn thành Series Học Đường , niềm đam mê trinh thám quay trở lại nên An quyết định thử sức lần nữa.
Theo An khi làm bất kỳ sản phẩm nào cũng sẽ có sản phẩm lần này, nó đòi hỏi cốt chuyện gây cấn, tình huống logic khiến khán giả tin những gì diễn biến trong phim là thật. Như vậy người xem mới không cảm thấy phi lý và bị nhàm chán. Để làm được điều đó, An cũng đã đọc rất nhiều sách tâm lý tội phạm & bắt đầu suy ngẫm với mong muốn sản phẩm của mình mang màu sắc cá nhân của Thiên An.
Series "Cô giáo tôi là trùm cuối" đang được rất nhiều khán giả của bạn yêu mến, liệu việc rẽ hướng sang 1 đề tài hoàn toàn khác biệt như vậy có dễ tiếp cận họ không?
An nghĩ khi làm bất kỳ điều gì mới, khác với những điều quen thuộc cũng sẽ có rủi ro. Làm phim cũng vậy. An không chắc các bạn có thích hay không nhưng đơn giản là An thích làm điều đó. Khi bản thân mình thích thì mới truyền tải điều đó đến người xem được. Thứ hai, qua sản phẩm lần này, An muốn cho mọi người biết rằng không phải cứ trinh thám là sẽ khô khan, cứng nhắc mà trong đó có còn có nhiều mảnh ghép vui tươi, ý nghĩa & đầy tình người nữa.
Cảm ơn Thiên An, chúc do bạn sẽ đạt được thành công trong dự án sắp tới!