Sau khi bị đề nghị truy tố về hành vi Gây rối trật tự công cộng, trong thời gian tới Ngọc Trinh có thể sẽ phải hầu toà để xét xử về tội trạng này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa ban hành kết luận điều tra đồng thời đề nghị truy tố đối với Trần Thị Ngọc Trinh (tức người mẫu Ngọc Trinh) và Trần Xuân Đông (người thầy dạy Ngọc Trinh lái xe mô tô) về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Tại cơ quan điều tra, nữ người mẫu bày tỏ sự hối hận, ăn năn về hành vi Gây rối trật tự công cộng của mình. Ngọc Trinh nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngọc Trinh hiện đang trong thời gian 3 tháng bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
"Hiện tại tôi nhận thức được hành vi của mình là quá sai trái. Tôi hy vọng mọi người sẽ luôn tuân thủ quy định của giao thông, đừng bao giờ học tập, bắt chước những hành vi sai trái của tôi vừa qua" - Ngọc Trinh chia sẻ.
Ngọc Trinh ăn năn hối hận, mong được pháp luật khoan hồng
Thời hạn từ khi đề nghị truy tố đến lúc xét xử như thế nào?
Truy tố là giai đoạn thứ ba trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, sau khởi tố, điều tra vụ án. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn, có thể hiểu truy tố là việc đưa người phạm tội ra trước Tòa án để tiến hành xét xử. Thẩm quyền thực hiện quyền truy tố thuộc về Viện kiểm sát.
Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền truy tố trong vụ án hình sự như sau:
- Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.
Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Hình ảnh của Ngọc Trinh tại thời điểm bị bắt vào tháng 10/2023
Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố.
Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
- Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác.
Việc giao, gửi hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong trường hợp này, thời hạn truy tố được tính từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ vụ án.
Thời điểm đưa Ngọc Trinh ra xét xử chưa được công bố
Theo quy định của pháp luật, sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.
Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây: Đưa vụ án ra xét xử; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án...
Hiện cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra thông báo chính thức về thời gian xét xử vụ việc liên quan đến Ngọc Trinh. Trong khi đó, thời hạn bắt tạm giam 3 tháng của chân dài gốc Trà Vinh này sẽ đến hạn vào ngày 19/1/2024.
Ngọc Trinh thực hiện các hành vi lái mô tô nguy hiểm, chưa có bằng lái
Ngọc Trinh có thể đối mặt bản án 7 năm tù?
Việc Ngọc Trinh thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, nằm, quỳ gối trên yên xe…, sau đó đăng tải, phát tán nội dung trên đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, bởi đây là tài khoản mạng xã hội được hàng triệu người theo dõi.
Với hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, Ngọc Trinh đã bị xử phạt hành chính 8,5 triệu đồng, bị dư luận lên án khá gay gắt.
Về xử lý hình sự, Điều 318 BLHS 2015 về Tội gây rối trật tự công cộng, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm.
Phạm tội có tổ chức; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng hoặc tái phạm nguy hiểm…thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Ngọc Trinh có thể đối mặt với bản án 7 năm tù?
Gây rối trật tự công cộng là tội xâm phạm đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở nơi công cộng như đua xe, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ...
Về mặt khách quan, hành vi cấu thành tội phạm khi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm. Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng là do cố ý.
Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, người thực hiện hành vi Gây rối trật tự công công có thể đối diện mức án cao nhất là 7 năm tù.