Tối 6/8, lần đầu tiên vở diễn đình đám Đêm Thiên Nga của sân khấu Hoàng Thái Thanh được sinh viên trường CĐ Văn Hoá Nghệ Thuật – Nguyễn Khanh tái hiện thành đề tài báo cáo tốt nghiệp tại sân khấu hoành tráng.
Vở diễn Đêm Thiên Nga được dàn dựng bởi đạo diễn Thảo Nguyên, giáo viên hướng dẫn NSND Trần Minh Ngọc và trợ giúp của người bạn thân mà Nguyễn Khanh gọi là “vú ” Bảo Đăng SK. Á hậu Quản Hân giữ vai trò dẫn dắt chương trình, cô cũng là cựu sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và hiện là một MC thực lực khi tham gia khá nhiều chương trình uy tín của các đài truyền hình.
Cô dành nhiều lời khen ngợi và khá bất ngờ trước quyết định táo bạo của đồng nghiệp khi mang vở diễn tốt nghiệp ra nhà hát lớn, điều mà trước đây chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Là một vở diễn nổi tiếng được NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như dàn dựng gần 10 năm trước tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Được cảm tác từ tác phẩm “Khúc hát thiên nga” của Anton Chekhov.
Đêm của người nhắc tuồng Boris nghèo khó, tận tụy do Nguyễn Khanh thủ vai. Đêm của một nhà hát hoang tàn, lạnh lẽo khi nhiều năm trước nhà hát này còn là thánh đường nghệ thuật. Pierre do Bảo Đăng SK đảm nhận, là nghệ sĩ lừng danh với hàng trăm vai diễn trên sân khấu như Hamlet, vua Lia , Romeo… Còn Boris là người đứng sau bức màn nhung, nhắc tuồng cho những nhân vật của Pierre trở thành bất tử. Một thời gian dài sau, nhà hát này trở thành phế tích. Pierre thành một lão già nát rượu, sống lủi thủi, không nhà cửa.., chỉ biết làm bạn với lũ chuột trong nhà hát. Boris cũng nghèo nàn không kém, bị đòi tiền nhà trọ dai dẳng. Ngay cả khi Pierre chẳng còn đứng trên sân khấu nữa thì Boris vẫn giữ thói quen đến dọn dẹp, thay phục trang và lật những trang kịch bản cũ để nhắc tuồng.
Những vai diễn của Pierre còn sống mãi trong trái tim khán giả nhưng mấy ai biết được sự có mặt có mặt của những người như Boris. Những người thầm lặng sau sân khấu như vẫn xứng đáng được gọi là nghệ sĩ và trở thành một phần linh hồn của thánh đường sân khấu.
Nhận xét về học trò của mình, giáo viên chủ nhiệm Liên Kim Cúc cho biết: “Với tôi, vở diễn này rất thành công. Thứ nhất là đưa ra cái cảnh báo về sân khấu, nói về những người cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng họ thầm lặng sau ánh đèn như người nhắc tuồng. Họ không được khán giả biết đến và công nhận. Thứ hai là về Nguyễn Khanh, tôi thấy em đã làm tròn vai và tạo ra được nhân vật già , sống bám vào sân khấu và muốn gắn bó với sân khấu cho đến giờ phút cuối cùng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của em cả về khả năng diễn xuất lẫn tài chính để mang một tác phẩm tốt nghiệp ra sân khấu lớn như thế này”.
Nói về vở diễn của mình, Nguyễn Khanh tâm sự: “Thời gian chuẩn bị cho vở diễn này khoảng một tháng với sự hỗ trợ diễn chính của anh Bảo Đăng SK. Bên cạnh đó, hơn 20 bạn sinh viên ở các khóa khác cũng góp sức để tạo nên một tác phẩm lần này. Lý do tôi muốn thực hiện vở diễn này như một lời cảm ơn đến những người nhắc tuồng, họ đã tạo nên thành công cho một đêm diễn. Nó cũng là hình ảnh của mình trong những năm đầu tôi học trường sân khấu, tôi cũng từng nhắc thoại cho các anh chị khóa trước, cũng làm nhiều công việc khác nhau trong hậu đài”.
Về những khó khăn khi thực hiện tác phẩm này, Nguyễn Khanh cho rằng anh luôn lấy nó để làm động lực mình cố gắng vượt qua: “Nếu nói không áp lực khi so sánh với NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như thì không đúng, vì thầy cô là những cây đa, cây đề trong ngành nghệ thuật. Chính vì thế so sánh là điều khập khiễng, tuy nhiên tôi luôn cố gắng để hoàn thành thật tốt dưới vai trò của một sinh viên yêu nghề”.