Chuyến xe nhân ái kỳ này là câu chuyện vượt khó của hai người đàn ông trụ cột với ước mơ xây dựng hàng tạp hóa, kiếm đồng lời lo cho gia đình nhỏ.
Hoàn cảnh đầu tiên mà chương trình Chuyến Xe Nhân Ái tuần này muốn chia sẻ đến quý khán giả là ông Nguyễn Văn Lành ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Suốt hơn 15 năm ròng rã vợ chồng ông Lành làm thuê làm mướn ở tỉnh Bình Dương để mưu sinh, không để tuổi già là gánh nặng của các con.
Đến năm 2008, bà Minh Hường đột ngột phát bệnh Parkinson – một căn bệnh về thần kinh gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Cũng vì thế, vợ chồng ông Lành trở về quê hương Tam Bình, bắt tay vào việc chăn nuôi kiếm lời. Ông nhớ lại:“Vay Nhà nước 20 triệu rồi bắt 1 con nuôi. Thời sau giá bò rẻ quá nên bán, bán xong mua vịt nuôi để mau có đồng vốn hơn, vịt nuôi có 3 tháng là bán được rồi. Nuôi cũng 300 con rồi bị dịch tả, chết hết rồi cũng hết vốn luôn”.
Khó khăn là vậy, nhưng với tấm lòng thương con thương cháu, ông Lành bà Hường vẫn nhận cưu mang cháu Minh Thiện, con trai của chị Mỹ Tiên - con gái út ông Lành , từ khi cha mẹ cháu ly hôn. Mọi sinh hoạt của cháu ngoại đều nhờ vào ông Lành từ khi sinh ra, cháu Thiện mắc phải căn bệnh quái ác: teo não và chậm phát triển. Ông Lành bộc bạch nỗi niềm: “Mình cũng có biết kỹ thuật chăn nuôi bò rồi đó nên nếu có vốn trước nhất bắt con bò về nuôi sau đó mở tiệm tạp hóa nhỏ nhỏ, lãnh đồ về cho vợ bán đặng có đồng ra đồng vô”.
Rời gia đình ông Lành, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Bạc ngụ tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Hơn 20 năm bôn ba nơi xứ người, ông Bạc mưu sinh bằng việc bán mắt kính dạo ở Kiên Giang và duyên nợ đã cho ông gặp được người bạn đời, bà Danh Thị Cúc, trong một lần bà đến TP. Rạch Giá bán vé số.
Ông mang lòng thương người phụ nữ tật nguyền vì dù mang khiếm khuyết teo cơ, liệt hai chân nhưng vẫn bà vẫn không đầu hàng trước số phận. Cho đến khi đứa con gái đầu lòng - cháu Ngọc Thảo chào đời cũng là lúc sức khỏe của bà Cúc càng sa sút. Thấy thế, ông Bạc bà Cúc rời bỏ công việc buôn bán dạo ở tỉnh Kiên Giang, trở về quê hương Tam Bình.
Ông Bạc cố gắng làm thật nhiều công việc từ vét mương đến bốc vác vì công việc quá bấp bênh nên gần đây ông đã chuyển sang bán vé số dạo.“Ban đầu lấy 240 vé số đi bán, có hôm trời nắng bán cũng hết, còn mưa thì ế mà vé số đâu có trả được rồi ôm lại. Tới lúc mượn chiếc xe lăn của bà xã đi bán xa được, có khi đi tới Trà Côn, có khi ế quá đi xuống tới Nhà Đài ở dưới” – Ông Bạc chia sẻ.
Ông cũng hiểu được rằng: bám trụ với nghề bán vé số bấp bênh, rày đây mai đó thì vẫn mãi chưa thể thoát nghèo. Ông Bạc tâm sự: “Giờ sức lao động không có nữa, vé số lại sụt nữa bán không có tiền lời như trước. Mong muốn có số tiền 30 – 40 triệu thì cất lên quán nho nhỏ cho bà xã phụ giúp, bán nước mắm, nước tương, đường, bột ngọt,... mấy đồ khô. Lấy tiền đó mà phụ cho con đi học, mua thuốc men cho vợ nữa”.
Thấu hiểu cho những cố gắng mà thời gian qua ông Bạc và ông Lành đã bỏ ra nhưng vẫn không gặt hái được quả ngọt. Chương trình Chuyến xe nhân ái quyết định trao cơ hội cho ông Lành và ông Bạc có vốn thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.