24h
Yeah1 News

Lí do loạt phim Hàn Quốc được đầu tư khủng vẫn thất bại

Chủ nhật, 31/12/2023 | 20:56 (GMT+7)

"Cuộc chiến sinh tồn", "Sinh vật Gyeongseong", "Biên niên sử Arthdal"... và nhiều phim Hàn Quốc có chi phí sản xuất "khủng", song vẫn không thể thành công. Theo các nhà phê bình, cốt truyện mạch lạc, hấp dẫn là yếu tố quan trọng nhất với người xem.

Phim 'Sinh vật Gyeongseong' của Park Seo Joon - Han So Hee được đầu tư khủng vẫn nhận 'mưa' lời chê. Ảnh: Nhà sản xuất
Phim "Sinh vật Gyeongseong" của Park Seo Joon - Han So Hee được đầu tư khủng vẫn nhận "mưa" lời chê. Ảnh: Nhà sản xuất

Kinh phí sản xuất cao, vẫn thất bại

Ngày 31.12, Netflix công bố lượng người xem trong tuần. Theo dữ liệu này, "Mask Girl" (Cô gái mang mặt nạ) là bộ phim truyền hình Hàn Quốc cuối cùng đứng đầu bảng xếp hạng Toàn cầu trong tuần từ ngày 21-27.8.

Sau "Mask Girl", Netflix đã phát hành nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc khác như "Thời gian gọi tên em", "Bài ca của lưỡi kiếm" (Song of the Bandits), "Doona!" (Cô gái tầng dưới), "Chút nắng ấm mỗi ngày", "Sweet Home 2" (Thế giới ma quái 2), tuy nhiên, không có tác phẩm nào đạt được vị trí hàng đầu trên toàn cầu.

Dù trong đó, "Bài ca của lưỡi kiếm" được đầu tư sản xuất với kinh phí 36 tỉ won (27,8 triệu USD) và "Sweet Home 2" được đầu tư nhiều hơn mùa 1, với khoảng 3 tỉ won (2,3 triệu USD) cho mỗi tập. Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều không thể mang lại thành tích như mong đợi.

Phim “Sweet Home 2” của Song Kang tăng tiền đầu tư nhưng vẫn thất bại. Ảnh: Nhà sản xuất
Phim “Sweet Home 2” của Song Kang tăng tiền đầu tư nhưng vẫn thất bại. Ảnh: Nhà sản xuất

Đáng nói, những bộ phim được đầu tư lớn nhưng không đáp ứng được kì vọng không chỉ xảy ra với nền tảng Netflix mà còn ở nhiều đài truyền hình lớn tại Hàn Quốc.

Như "Cuộc chiến sinh tồn" - bộ phim do SBS sản xuất, kết thúc mùa 1 vào tháng 11 từng thu hút sự chú ý khi được viết bởi biên kịch "The Penthouse" (Cuộc chiến thượng lưu) - Kim Soon Ok với kinh phí sản xuất hơn 46 tỉ won (35,5 triệu USD).

Tuy nhiên, nội dung phim bị chê phi lí, nặng tính bạo lực, khiêu khích, khiến phim dù sở hữu dàn cast danh tiếng, chiếu "khung giờ vàng" cuối tuần của đài SBS, song tỉ suất người xem chỉ đạt mức 5-6%.

Trước đó, năm 2019, phim "Biên niên sử Arthdal" của tvN cũng được chi tới 54 tỉ won (41,7 triệu USD) để sản xuất, tuy nhiên, bộ phim đã phải vật lộn để duy trì lượng người xem ở phạm vi 4%.

Trở lại với mùa 2 vào năm nay, tvN đã giảm đáng kể kinh phí sản xuất, đồng thời "thay máu" diễn viên chính, tuy nhiên, tỉ lệ đón xem không cải thiện đáng kể so với mùa 1, khi duy trì lượng người xem ở mức 2-5%.

Cốt truyện thú vị, cách xây dựng nhân vật vẫn là yếu tố tiên quyết

Allkpop đánh giá, "không có gì lạ khi kinh phí sản xuất cao không đảm bảo thành công về mức độ nổi tiếng hoặc chất lượng nghệ thuật".

Tờ này đưa ra ví dụ của Disney+ "Moving" (Đội thiếu niên siêu đẳng) và "Chiến tranh Goryeo-Khitan" (Korea-Khitan War) của KBS, cho thấy, các tác phẩm thành công không chỉ nhờ hình ảnh choáng ngợp mà là ở cách kể chuyện thú vị và các nhân vật hấp dẫn.

Điều này hoàn toàn đúng với những bộ phim truyền hình đạt được thành công toàn cầu trong năm nay - như "The Glory" (Vinh quang trong thù hận) hay bộ phim ăn khách năm ngoái "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo".

Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Jung Deok Hyun chia sẻ cùng Yonhap News: "Khía cạnh quan trọng nhất của một bộ phim là sức mạnh của câu chuyện, đó là bản chất và cốt lõi của nó". Tuy nhiên, ông Jung thấy hầu hết phim Hàn Quốc phát hành năm nay đều đi chệch khỏi bản chất này.

Cốt truyện thú vị, nhân văn cùng diễn xuất “phi thường” của Park Eun Bin là yếu tố giúp phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” thành công. Ảnh: Nhà sản xuất
Cốt truyện thú vị, nhân văn cùng diễn xuất “phi thường” của Park Eun Bin là yếu tố giúp phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” thành công. Ảnh: Nhà sản xuất

"Thành công của "Moving" là nhờ vào câu chuyện hấp dẫn do nhà biên kịch Kang Full xây dựng, và "The Glory" cũng vậy. Ngay cả khi được đầu tư cao, một tác phẩm hay điều quan trọng nhất vẫn là phải có nội dung" - Jung Deok Hyun nói thêm.

Trong khi đó, Yoon Suk Jin - giáo sư phê bình văn học và kịch nghệ Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) - cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong một bộ phim truyền hình là kịch bản xảy ra với các nhân vật được xây dựng khéo léo ra sao.

Việc nhà sản xuất bỏ qua yếu tố tiên quyết để tập trung vào bối cảnh, hình ảnh là điều khiến tác phẩm dễ gây thất vọng với người xem.

Như trong "Sinh vật Gyeongseong" - phim truyền hình mới của Netflix cho Park Seo Joon, Han So Hee đóng chính dù tiêu tốn 70 tỉ won (54,1 triệu USD), nhưng ngoài những lời tán thưởng về trang phục xa hoa, diễn viên đẹp, phim nhận đánh giá thấp.

Trên WatchaPedia, phim được đánh giá 2,5/5 điểm, nhận gần 400 bình luận chỉ trích về nội dung sáo rỗng, diễn biến chậm chạp và diễn xuất không hợp vai của cặp chính.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news
Từ khóa: Sinh vật Gyeongseong  

Cùng chuyên mục