"Cám" phiên bản điện ảnh không chỉ đơn thuần là chuyện cổ tích "Tấm Cám" như thường lệ, mà còn là một cú sốc kinh hoàng về mâu thuẫn gia đình Tấm Cám đan xen với các phân cảnh kinh dị, đầy máu me.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện giữa hai chị em Tấm và Cám, mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ và u tối so với phiên bản cổ tích quen thuộc. Thay vì kể về Cám như một kẻ đầy đố kỵ, luôn ganh ghét với sắc đẹp của Tấm và tìm mọi cách hãm hại chị mình, phiên bản điện ảnh lần này đã vẽ nên một bức tranh phức tạp, đầy uẩn khúc. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cùng nhà sản xuất Hoàng Quân đã khéo léo biến câu chuyện dân gian thành một hành trình trả thù rùng rợn và đẫm máu.
Trong phim, Cám ( Lâm Thanh Mỹ ) là một nạn nhân của sự hắt hủi và bất công từ chính gia đình mình. Mặc dù là con ruột của mẹ kế (Thúy Diễm) của Tấm, nhưng từ khi chào đời, Cám đã phải mang một khuôn mặt dị dạng , là hậu quả của nghiệp chướng từ nhiều đời trước của dòng tộc, khiến con cháu đời sau phải gánh chịu. Cho rằng Cám không xứng đáng được sinh ra và chỉ mang lại gánh nặng cho gia đình, chính người cha (Quốc Cường) đã đẩy cô ra sống ở nhà sau như một kẻ giúp việc, luôn bị đánh đập và đối xử tàn tệ.
Ngược lại, Tấm (Rima Thanh Vy thủ vai) xuất hiện với nét đẹp sắc sảo nhưng vô cùng dịu dàng. Dù là chị cùng cha khác mẹ với Cám, Tấm luôn được yêu thương và ưu ái hơn Cám. Nhưng Tấm vẫn luôn yêu thương và giúp đỡ Cám, nhưng sự ghẻ lạnh từ cha mẹ và nỗi mặc cảm về ngoại hình đã khiến Cám ngày càng tự ti, chất chứa lòng thù hận sâu kín. Đặc biệt trong một phân cảnh của phim, Rima Thanh Vy đã gây bất ngờ với sự lột xác mạnh mẽ qua một cảnh nóng táo bạo mà có lẽ ít nữ diễn viên nào dám thể hiện, khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng.
Dù được làm mới, bộ phim vẫn giữ lại nhiều chi tiết quen thuộc từ câu chuyện cổ tích như cá bống, quả thị, thử hài, và cây cau. Tuy nhiên, tất cả đều được biến tấu mang màu sắc quỷ dị, ma mị hơn. Một trong những phân cảnh đáng sợ nhất chính là khi Cám bị chính cha ruột của mình đem đi làm vật hiến tế cho quỷ dữ. Bộ phim không chỉ cuốn hút bởi các tình tiết li kỳ, pha kinh dị giật gân mà còn gây ấn tượng với những cú "twist" bất ngờ, đẩy bộ phim lên một tầm cao mới.
Sau khi trở thành vật hiến tế, Cám được sống lại và hung ác hơn trước sự ngỡ ngàng của người cha. Diễn xuất của Lâm Thanh Mỹ thực sự khiến khán giả phải sởn gai ốc, khi cô thể hiện một Cám với ánh mắt sắc lạnh, nụ cười đầy sự tàn ác, mang đến một hình ảnh đáng sợ và khó quên
Song, bối cảnh trong phim được đầu tư tỉ mỉ, không chỉ tái hiện nét văn hóa dân gian mà còn thêm thắt nhiều yếu tố rùng rợn, tạo nên một không gian vừa quen thuộc, vừa ám ảnh. Từ trang phục truyền thống đến các chi tiết nhỏ nhất trong làng Hương, tất cả đều được xây dựng một cách chân thực và sắc nét, làm nổi bật sự đối lập giữa vẻ đẹp dịu dàng của Tấm và thế giới đầy rẫy căm thù mà Cám phải đối mặt.
Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Trần Hữu Tấn – người đã thành công với các tác phẩm đình đám như Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn. Bộ phim "Cám" được kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại và hệ thống nhân vật được xây dựng chặt chẽ, mang đến một tác phẩm cổ tích đầy sáng tạo. Bộ phim không chỉ là sự pha trộn độc đáo giữa yếu tố dân gian và kinh dị mà còn thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, hình ảnh và cả diễn xuất.
"Cám" đã thành công trong việc lột tả một câu chuyện quen thuộc với góc nhìn hoàn toàn khác, mang đến cho khán giả một trải nghiệm kinh dị đậm chất tâm lý và u tối. Bộ phim là một bước đột phá không chỉ về mặt nội dung mà còn về phong cách thể hiện, xứng đáng được xem là tác phẩm kinh dị đáng chú ý trong làng điện ảnh Việt.