Dù đủ sức làm bùng nổ màn ảnh rộng tháng 3 bởi những màn giao đấu hoành tráng giữa các quái vật, song Godzilla vs. Kong vẫn gây thất vọng về phần nội dung.
Godzilla Vs. Kong là phần phim thứ 4 thuộc vũ trụ điện ảnh quái vật của hãng Legendary Entertainment và Warner Bros, đồng thời cũng là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự hội ngộ của hai ngôi sao quái vật Godzilla và chú khỉ đột khổng lồ Kong từng "làm mưa làm gió" phòng vé thế giới ở các phần phim trước. Nếu như Kong được mệnh danh là chúa tể rừng xanh, thì Godzilla lại là vị vua của biển cả, chính sức mạnh "kẻ tám lạng, người nửa cân" của hai quái vật này đã khiến người xem rất kỳ vọng vào một màn chạm trán đầy khói lửa.
Nối tiếp câu chuyện của Godzilla: The King Of The Monsters, trong thời kỳ mà con người đều biết đến sự tồn tại của các titan, chính sự nhân danh về cuộc đấu tranh vì tương lai của nhân loại đã đẩy Godzilla và Kong vào tình thế đối đầu nhau. Trong lúc tổ chức Mornarch bắt đầu nhiệm vụ truy tìm nguồn gốc của các loài titan, một nhóm người với mưu đồ xấu xa đã xuất hiện, lợi dụng cuộc nghiên cứu đó để đẩy thế giới vào tình cảnh diệt vong.
Những màn giao đấu vượt xa chuẩn "bom tấn"
Có thể nói, điểm mạnh nhất cũng như được nhiều người trông chờ nhất của Godzilla Vs. Kong chính là những màn đánh nhau "long trời lở đất", và quả thật, phần phim thứ 4 của vũ trụ quái vật titan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Nếu như phần phim đầu tiên ra mắt vào năm 2014 là Godzilla bị phàn nàn vì những cảnh hành động đều diễn ra trong điều kiện tăm tối, khó quan sát, thì ở Godzilla Vs. Kong, có vẻ như các nhà làm phim đã biết lằng nghe khán giả khi các màn giao tranh trong phim đều diễn ra vào ban ngày với điều kiện ánh sáng đầy đủ để khán giả có thể tận hưởng trọn vẹn sự hoành tráng trong từng phân cảnh.
Không để khán giả đợi chờ lâu, Godzilla Vs. Kong đã cho khán giả diện kiến hai vị vua titan ngay từ những phút đầu tiên của phim. Chính sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ CGI đã mang đến những trường đoạn chiến đấu mượt mà, chân thật với mức độ bạo liệt được đẩy đến mức tối đa. Những phân cảnh này được đạo diễn Adam Wingard phân bổ hợp lý xuyên suốt thời lượng phim, đủ khiến khán giả trầm trồ mỗi khi các quái vật xuất hiện.
Bên cạnh đó, phần âm nhạc của phim cũng được chăm chút kỹ lưỡng với những âm thanh đổ vỡ, tàn phá thành phố và tiếng gầm rú của Godzilla và Kong đều được thiết kế một cách chân thật với cường độ lớn. Được biết, riêng về quái vật Godzilla, bộ phận thiết kế âm thanh của phim đã phải mất đến 6 tháng, chỉ để tạo ra tiếng gầm xuất sắc nhất cho phần phim Godzilla 2014, và phiên bản cuối cùng chính là phiên bản thứ 50.
Không chỉ gói gọn không gian trên mặt đất với các tòa nhà cao chọc trời trong thành phố như các phần phim trước, ở Godzilla Vs. Kong, bộ phim đã mở rộng không gian xuống tận thế giới dưới lòng đất, nơi mà từ thuở sơ khai là nhà của các titan. Chính nơi đây, trong phân cảnh Kong quay về quê hương mình, người xem đã được chiêu đãi một bữa tiệc thị giác đỉnh cao với không gian thiên nhiên, núi đồi hùng vĩ và kỳ ảo.
Có thể nói, phần kỹ xảo cũng như các trận chiến trong phim xứng đáng vượt qua chuẩn mực "bom tấn" khi đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh không thể tuyệt vời hơn.
Câu chuyện hấp dẫn không thể cứu được dàn nhân vật nhạt nhòa
Cả ba phần phim trước của vũ trụ quái vật đều bị khán giả và các nhà phê bình đánh giá thấp về nội dung, trong đó, phần phim Kong: Skull Island được nhận xét chẳng khác gì một cuộc tham quan Đảo Đầu Lâu không hơn không kém. Ở Godzilla Vs. Kong, câu chuyện đã được cấu tứ rõ ràng và lớp lang hơn, các tuyến truyện cũng được phân chia hợp lý hơn. Tuy nhiên, những điều ấy cũng không thể cứu vớt lại được dàn nhân vật thiếu chiều sâu. Dường như nhân vật con người trong phim chỉ xuất hiện để thúc đẩy mạch truyện phát triển và làm nền cho hai nhân vật chính là Godzilla và Kong.
Có thể nói, bộ phim sở hữu nhiều nhân vật rất có tiềm năng để khai thác, nhưng rất tiếc, biên kịch của phim đã lãng quên họ. Trong đó, tiếc nuối nhất là phản diện Ren Serizawa (Shun Oguri thủ vai), con trai của tiến sĩ Ishiro Serizawa, người đã hy sinh ở phần phim trước để hồi sinh Godzilla. Sau sự ra đi của cha mình, Ren Serizawa căm phẫn các titan và quyết thực hiện âm mưu xóa sổ Godzilla dưới sự hậu thuẫn của Walter Simons (Kyle Chandler thủ vai) - nhân viên cấp cao của tổ chức Ipax. Có một background quá tốt để xây dựng và phát triển tâm lý, nhưng Ren Serizawa lại chỉ như một nhân vật làm nền cho Walter Simons. Người xem không hiểu rõ động cơ của anh là gì, không biết nỗi đau của anh ra sao, không biết tâm lý của anh thế nào. Nhân vật này chỉ đơn giản xuất hiện để điều khiến MechaGozilla và hết nhiệm vụ.
Nhân vật thứ hai là cô bé Jia - người có khả năng giao tiếp và có mối liên hệ đặc biệt với Kong, do diễn viên nhí KayLee Hottle thủ diễn. Được biết, đoạn credit của Godzilla: The King Of The Monsters đã tiết lộ rằng trong nhiều nền văn hóa, có nhiều người có khả năng thần giao cách cảm với các titan. Trong phim, ngoại trừ một trường đoạn đầy cảm xúc về mối quan hệ giữa Jia và Kong, nhân vật này cũng nhàm chán khi không có bất kỳ diễn biến tâm lý nào.
Các nhân vật khác như cha con phản diện Walter Simons và Maya Simons, Nathan Lind, Madison Russell và Ilene Andrews được xây dựng một chiều và thiếu chiều sâu, cộng thêm những hành động thiếu động cơ trong các tình huống vô lý khiến ai cũng bị mất điểm trong mắt khán giả.
Giống với các phần phim trước, Godzilla Vs. Kong sẽ có thể làm thỏa mãn các fan của dòng phim quái vật bởi sự hùng tráng trong những trận chiến nảy lửa của các quái vật. Còn với các khán giả khó tính, đây không phải là một bộ phim hoàn hảo vì sự thiếu đầu tư của biên kịch trong việc xây dựng nhân vật.
Ảnh: Internet
Quốc Thái