24h
Yeah1 News

Thủng Long Family lan tỏa nội dung “sạch” với tiêu chí phát triển bền vững: Người làm nội dung cần tôn trọng khán giả

Thứ năm, 08/09/2022 | 08:50 (GMT+7)

Hơn cả một kênh TikTok 1,9 triệu follow, Thủng Long Family (TLF) thu hút được đông đảo sự chú ý nhờ những nội dung đầu tư bài bản, hướng tới khán giả nhờ những video “sạch” và “quảng cáo như không”.

Thủng Long Family lan tỏa nội dung “sạch” với tiêu chí phát triển bền vững: Người làm nội dung cần tôn trọng khán giả - ảnh 1

Kênh TikTok của cặp đôi ông Thủng Long và bà Bom đang gây sốt cộng đồng mạng

Cùng trò chuyện với 2 TikToker đứng sau TLF - ông Thủng Long (Trần Tụ Long) và bà Bom (Phan Tuyết Nga) để hiểu thêm về quan điểm khi làm nghề sáng tạo của họ nhé!

Dễ nhận thấy, hầu hết những video trên kênh TLF gắn liền với quảng cáo, liệu anh chị có từng vấp phải phàn nàn của người xem về điều này không?

Ngay từ đầu, mục tiêu của TLF là tạo ra những content ưu tiên phục vụ khán giả nên bọn mình rất kỹ tính trong công đoạn nghiên cứu và khai thác content trước khi thực hiện. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng đều thích “tự làm khó mình”. Có thể thấy, để hình thành được những sản phẩm video mà khán giả vừa thấy gần gũi, lại vừa cảm nhận rõ sự tỉ mỉ và trau chuốt trong đó, là quá trình trao đổi và tính toán chi tiết từng lời thoại - góc máy - biểu cảm - tình huống, nên có khi nguyên một ngày các thành viên trong team cũng chỉ nghe thấy tiếng bọn mình tranh cãi về ý tưởng sẽ triển khai. Nhờ thế mà mọi video sản xuất đều dung hòa được giữa giá trị mà khán giả mong đợi với thông điệp mà nhãn hàng muốn truyền tải. Vì vậy, trộm vía là đa số video quảng cáo ấy lại nhận được phản hồi tích cực từ khán giả hơn cả những nội dung bình thường trên kênh.

Thủng Long Family lan tỏa nội dung “sạch” với tiêu chí phát triển bền vững: Người làm nội dung cần tôn trọng khán giả - ảnh 2

Hậu trường đằng sau những clip triệu view của Thủng Long Family

Vậy anh chị nghĩ người sáng tạo nội dung có nên tập trung vào lợi ích đến từ quảng cáo của các nhãn hàng không? 

Có chứ, ai lại dại gì mà từ chối lợi ích kinh tế nhỉ? Khi một content creator có độ phủ sóng nhất định thì chắc chắn sẽ nhận được lời mời hợp tác từ các nhãn hàng. Lúc này, điều chúng ta cần lưu tâm là tránh sản xuất những dạng content “ăn xổi” (nghĩa là ai trả tiền thì bảo làm gì thì mình làm nấy). Nhãn hàng thì luôn muốn sản xuất 1 video có thể đề cập tối đa về sản phẩm, còn khán giả thì lại không muốn tiêu thụ nội dung mà họ thấy không gần gũi, thiếu tính giải trí và không liên hệ được. Vậy nên một content creator phải dành nhiều công sức để khai thác những ý tưởng có thể khiến khán giả hứng thú. Có như vậy, các bạn mới đi đường dài với nghề này được.

Người xem thường lo lắng khi những TikToker hiện nay quảng cáo rất nhiều sản phẩm kém chất lượng. Anh chị làm sao để đảm bảo sự uy tín của nhãn hàng đã hợp tác để khán giả có thể tin tưởng?

Sự uy tín không được xây dựng trong một sớm một chiều mà sẽ cần một quá trình nhiều lần tạo dựng niềm tin. Ngay từ đầu, bọn mình đã định hình TLF là thương hiệu sáng tạo có chất lượng từ nội dung cho đến sản phẩm. Thế nên bọn mình rất khắt khe và kỹ lưỡng trong quy trình kiểm định sản phẩm cùng cả nhóm trước khi quảng cáo. Ngoài ra, bọn mình rất hạn chế quảng cáo những sản phẩm có độ nhạy cảm nhất định. Ví dụ như app cho vay, mỹ phẩm trị mụn, thuốc uống... là những sản phẩm hầu như không xuất hiện trên kênh TLF. Chúng mình luôn cứng rắn từ chối những chiến dịch quảng cáo về sản phẩm không đáp ứng được quy tắc kiểm định ngay cả khi các nhãn hàng sẵn sàng chi trả gấp 3 hay 4 lần bình thường.

Thủng Long Family lan tỏa nội dung “sạch” với tiêu chí phát triển bền vững: Người làm nội dung cần tôn trọng khán giả - ảnh 3

Khoảnh khắc ông Thủng Long và bà Bom miệt mài kiểm tra sản phẩm

Có rất nhiều content được sản xuất mỗi ngày trên các nền tảng xã hội. Vậy những dạng content nào hiện nay mà anh chị nghĩ là chưa tôn trọng khán giả?

Dù sao thì đây cũng là một yếu tố rất khó để đưa ra đánh giá cụ thể, bởi vì nó còn tùy thuộc vào quy chuẩn đạo đức của cả người xem lẫn người sản xuất nội dung.

Ví dụ điển hình là các video thử thách trêu đùa người xung quanh (PRANK). Dạng nội dung này nhằm mục đích tạo ra sự thú vị nhờ ghi lại hình ảnh các phản ứng thật của người bị trêu, nhưng cũng tùy thuộc vào cường độ của trò đùa, cũng như phản ứng của người bị trêu thì mới đo lường được mức độ của trò đùa đang nằm ở ngưỡng thú vị - giải trí hay là quá đà - bất chấp. 

Nhìn chung, theo quan điểm bọn mình thì dạng nội dung gây phiền hà, mang lại cảm xúc tiêu cực cho người xem trong thời gian dài được xem là “content bẩn”. Những dạng nội dung như vậy chỉ tập trung câu view mà bỏ qua sự tôn trọng với lợi ích của khán giả.

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ coi content creator là một nghề chính thức để theo đuổi. Anh chị có lời khuyên nào dành cho họ không?

Nền tảng TikTok hiện tại đang là sân chơi có khả năng ưu thế giúp các bạn trẻ có tài năng được nổi bật một cách nhanh nhất nhưng cũng đồng nghĩa với việc thu hút nhiều nhà sáng tạo nội dung tiềm năng. Cơ hội mà bạn có thì người khác cũng có, vậy nên các bạn trẻ cần có sự kiên trì và tính kỷ luật cao để sản xuất nội dung liên tục dù không có cảm hứng. Tinh thần thép và sức khỏe tốt để luôn giữ vững tâm lý trong một môi trường cạnh tranh cao và vượt qua áp lực. Ngoài ra, nếu các bạn không thể tự đánh giá và cải thiện bản thân nhằm tạo ra nội dung chất lượng hơn từng ngày thì việc bị đào thải chỉ là sớm muộn.

Thủng Long Family lan tỏa nội dung “sạch” với tiêu chí phát triển bền vững: Người làm nội dung cần tôn trọng khán giả - ảnh 4

Sự kiên trì là yếu tố không thể thiếu của người làm content

Cảm ơn anh chị vì những chia sẻ hết sức chân thật ngày hôm nay! Tin rằng cùng với những đam mê, nỗ lực, cố gắng và sự tự tin, TLF sẽ tiếp tục vượt qua giới hạn của bản thân để chinh phục khán giả bởi sự độc đáo và khác biệt.

Nội dung: Thanh Hải/ Ảnh: Trần Ninh/ Thiết kế: Hữu Thanh

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục