Thấy ông đồ Lương Triều Minh đăng lên mạng xã hội bức liễn có chữ: Ý trung nhân (người yêu), Phạm Quỳnh ngỏ ý muốn xin chữ, không ngờ đó là mối duyên chồng vợ của cặp đôi.
Trong gian phòng treo đầy liễn xuân trên đường Phùng Hưng, Q.5, ông đồ Lương Triều Minh (35 tuổi) cặm cụi viết. Cạnh bên, vợ anh - Phạm Quỳnh (32 tuổi) ngồi khuấy mực tàu. Với vốn tiếng Trung của mình, Tết Nguyên đán 2025 này, Quỳnh có thể phụ chồng tư vấn những câu chúc tết để khách chọn lựa để viết liễn xuân.
Chữ ông đồ 'linh nghiệm lắm nha'
Triều Minh là nghệ nhân thư pháp, nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa ở TP.HCM. 3 năm trước, Phạm Quỳnh (32 tuổi) khi đó đang là nhân viên ngân hàng sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu tìm đến Minh, định đăng ký một khóa luyện chữ online.
Nhắn tin vào trang cá nhân của Minh hỏi thông tin khóa học, Quỳnh được tư vấn nhiệt tình nhưng vì bận công việc nên cô không trả lời tin nhắn của anh.
"3 ngày sau, anh ấy nhắn lại bảo mình không nghiêm túc. Còn mình thì nghĩ, sao anh làm trong ngành dịch vụ mà lại khó chịu với khách hàng như vậy", Quỳnh kể. Có ấn tượng không tốt với Minh, Quỳnh âm thầm theo dõi Facebook để đi tìm câu trả lời: "Người này có gì hay mà sao lại kiêu ngạo đến vậy." Trong khi đó, Minh chóng quên Quỳnh vì mỗi ngày, cũng có nhiều người lạ nhắn hỏi thông tin khóa học, rồi "mất tích" như thế.

Từ việc âm thầm theo dõi, Quỳnh nhận ra bản thân dần thích ông thầy thư pháp trẻ "có chút đáng ghét" này. Tuy nhiên, biết Minh lúc đó có người yêu, cô gái không muốn nuôi hy vọng nên quyết định bỏ theo dõi.
Thời gian sau đó, cha Minh qua đời và anh cũng vừa chia tay bạn gái nên anh chới với, mất niềm tin vào mọi thứ. Một ngày nọ, bài đăng của Minh bất ngờ hiện lên trên Facebook của Quỳnh dù đã bỏ theo dõi từ rất lâu với nội dung: "Mong muốn những người theo dõi Minh hãy tương tác nhiều hơn thay vì im lặng".
Quỳnh chợt nghĩ: "Mình có vội vàng quá không khi đánh giá một con người. Không ai trao cơ hội cho mình mà chỉ có bản thân tự nhận ra và nắm lấy". Sau đó, cô gái chủ động bình luận, tương tác với các bài đăng của Minh nhưng trái lại, anh chưa từng trả lời bất cứ bình luận nào của cô.

Dịp Tết Nguyên đán 2024, Minh cùng 2 học trò cầm những bức liễn chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Học trò cầm bức liễn chữ Bình An và An Khang còn Minh cầm chữ Ý trung nhân. Từng học tiếng Trung, Quỳnh biết nghĩa của những dòng chữ nhưng vẫn bình luận hỏi Minh. Lần đầu tiên, chàng trả lời nàng trên mạng xã hội: Em muốn xin chữ nào?
Khá bất ngờ nhưng vẫn muốn khẳng định lại, cô gái nhắn tin cho Minh xin chữ Ý trung nhân vì: "Bình an hay an khang em nghĩ mình đã có. Còn ý trung nhân thì em vẫn đang tìm".
"Chữ của anh ai xin là linh nghiệm lắm nha", Minh đáp lại, nửa đùa nửa thật.
Cọc đi tìm trâu được không?
Nhắc lại về cái duyên chồng vợ, Minh và Quỳnh đều cho rằng trong tình yêu, ai chủ động ngỏ lời trước không quan trọng. Quan trọng là cả hai thấu hiểu được sự chân thành của đối phương.
Tháng đầu tìm hiểu nhau qua mạng xã hội, cặp đôi thoải mái chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Quỳnh đi làm giờ hành chính còn Minh thường kết thúc ca dạy vào khoảng 22 giờ 30 phút. Không đủ thời gian nhắn tin, họ chuyển sang gọi điện thoại cho nhau khi rảnh. Đôi khi Quỳnh thấy bản thân thật phiền, vì luôn cố gắng tìm chủ đề mới để trò chuyện với người thương. Trái lại, Minh chưa từng thấy phiền mà rất tin tưởng đối phương, bằng việc chia sẻ luôn cả số tiền kiếm được mỗi tháng.

3 tháng trôi qua, cặp đôi vẫn chưa lần gặp mặt. Và bức liễn Quỳnh xin ngày nào một lần nữa trở thành sợi chỉ se duyên. "Thường thì mình gửi hàng đi cho khách được. Nhưng ngay từ đầu, khi Quỳnh xin chữ, mình đã có cảm giác 2 đứa sẽ là những người rất đặc biệt của nhau nên chưa bao giờ xem cô ấy là khách. Hơn nữa, lúc ấy mẹ mình sức khỏe không tốt nên không thể về quê tặng chữ cho Quỳnh, đành "thử lòng nhà gái" một chút để xem thành ý xin chữ của cô ấy ra sao. Vì thế, mình đề nghị gặp mặt cho chữ trực tiếp", chàng trai kể.
Chẳng ngại "cọc đi tìm trâu", Quỳnh lên lên TP.HCM, đến khu Chợ Lớn sầm uất, nơi Minh sinh ra để gặp mặt. "Gặp là thương liền", Quỳnh nói và cho biết, sau buổi hẹn hò đầu tiên cả hai đã biết chắc chắn rằng nửa kia là mảnh ghép trong đời mình còn thiếu.

Quỳnh thật sự ngưỡng mộ gia đình Minh vì còn lưu giữ nhiều nét truyền thống văn hóa đặc trưng. Anh chị em trong nhà luôn nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, luôn lấy gia đình, tổ tiên làm nền tảng cho mọi sự phát triển giữa thời hiện đại. Sau vài lần gặp mặt con dâu tương lai, mẹ của Minh qua đời.
Chịu tang cha mẹ 2 năm liên tiếp, vợ chồng Minh chưa thể tổ chức đám cưới. Quỳnh xin nghỉ việc ngân hàng, chuyển sang phụ giúp chồng dạy học - công việc truyền thống của gia đình chồng. Cô cũng đang học nâng cao để trở thành giáo viên tiếng Trung vì có chồng là điểm tựa, động lực để đào luyện. "Mình không ngại thay đổi công việc. Nếu một mối tình không khiến bạn trở nên tốt hơn, tiếc rằng bạn đã chọn nhầm người rồi", Quỳnh bày tỏ.
Mọi người thường nhận xét cặp đôi có nét phu thê. Giữa ngày đầu xuân, cặp đôi bày tỏ hi vọng trong muôn kiếp nhân sinh đã qua họ đã đã tìm được nhau. "Chúng mình sẽ cùng nhau đi đến hết quãng đường dài - dài bằng cả đời người", Minh nhìn Quỳnh, âu yếm nói.