Ca khúc "Tình yêu màu nắng" của Đoàn Thúy Trang và Big Daddy từng "gây sốt" 10 năm trước đến nay. Tuy nhiên không nhiều người biết được ý nghĩa đằng sau lyrics của nó.
Thời điểm 10 năm trước, tức năm 2013, làng âm nhạc Việt Nam được khuấy động bởi một loạt ca khúc nhạc trẻ theo phong cách mới. Không còn chất nhạc da diết, trữ tình, những bài hát tình yêu được thổi hồn bởi tiết tấu vui tươi, giai điệu trong sáng, hòa trộn giữa rap và hát. Một trong số đó không thể không nhắc đến ca khúc "Tình yêu màu nắng" do Đoàn Thúy Trang và Big Daddy thể hiện.
"Tình yêu màu nắng" do nhạc sĩ trẻ Phạm Thanh Hà sáng tác mang hình ảnh, bản sắc văn hóa vùng miền với tiết tấu R&B vui nhộn cùng với nhiều đoạn độc tấu đàn nguyệt ấn tượng. Ngoài ra, giai điệu được viết dựa trên thang âm ngũ cung, thang âm dân tộc giúp "Tình yêu màu nắng" vừa mang màu sắc trẻ trung, vừa truyền tải nét văn hóa dân gian của người dân tộc.
Đặc biệt, khi nhắc đến "Tình yêu màu nắng", trong đầu nhiều khán giả hiện lên câu hát "Ai mặc noọng lái lai" ở đoạn đầu ca khúc. Vì thời điểm 10 năm về trước, mạng xã hội và Internet chưa phổ biến như bây giờ nên nhiều người không biết đến ý nghĩa đằng sau câu hát này.
Trên thực tế, "Ai mặc noọng lái lai" vốn xuất phát từ ngôn ngữ của người dân tộc Thái. Trong đó, "Ai" là chỉ "Anh", "mặc" trong tiếng Thái có nghĩa là "yêu", "noọng" là "em" và "lái lai" nghĩa là "rất nhiều". Như vậy, khi ghép cả câu "Ai mặc noọng lái lai", dịch ra tiếng dân tộc Kinh có nghĩa là "anh yêu em rất nhiều". Đây là câu nói tỏ tình, bày tỏ tình cảm của người con trai dành cho người con gái mà họ thầm thương trộm nhớ.
Được biết, người Thái là một trong những dân tộc thiểu số của Việt Nam, chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi Tây Bắc và được cho là xuất hiện từ hơn 1.200 năm trước. Họ là hậu duệ của những người Thái di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày nay.
Theo tổng điều tra dân số Việt Nam năm 1999, người Thái có tổng số dân khoảng 1,3 triệu người, chiếm 1,74% dân số cả nước ta. Người Thái tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, rải rác đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Đến năm 2019, tổng dân số người Thái theo kết quả điều tra dân số là khoảng 1,8 triệu người.
Trong văn hóa truyền thống, người Thái ở một số địa phương đến nay vẫn duy trì phong tục ở rể vài năm trước khi 2 vợ chồng chính thức kết hôn. Sau khi đôi vợ chồng sinh con thì mới quay về bên nhà chồng.
Ảnh: Tổng hợp