Trong tập 2 của "Shark Tank Việt Nam", cô gái Thụy Điển gốc Việt - Denise Sandquist (tên tiếng Việt là Trần Thanh Hương) thu hút nhiều sự chú ý với màn gọi vốn đặc biệt. Đến với chương trình, Denise giới thiệu mình là nhà điều hành và đồng sáng lập FIKA. Theo chia sẻ của cô, FIKA là ứng dụng hẹn hò đứng Top 2 tại Việt Nam với khoảng 1,5 triệu lượt tải về và có hơn 100.000 người dùng hàng háng.
Để chứng minh cho mô hình khởi nghiệp hiệu quả của mình, Denise mượn dẫn chứng từ Tinder, Bumble... những ứng dụng hẹn hò trực tuyến từng gây sốt với cộng đồng giới trẻ. Trong tương lai, FIKA của Denise hứa hẹn cũng sẽ đạt tới tham vọng trở thành "kỳ lân công nghệ" mới tại Việt Nam trong lĩnh vực này.

Denise tiết lộ, ý tưởng sáng lập mô hình FIKA xuất phát từ câu chuyện tìm mẹ ruột của bản thân vì trong quá khứ, cô từng bị mẹ giao lại cho một đôi vợ chồng người Thụy Điển nuôi nấng ngay khi vừa chào đời. Denise hy vọng FIKA có thể trở thành ứng dụng toàn cầu giúp mọi người tạo dựng và duy trì những mối quan hệ có ý nghĩa. Denise mong chờ vào sự đồng hành của các Shark với màn gọi vốn 3 triệu USD cho 2% cổ phần. Là một mô hình chưa tạo ra được doanh thu nhưng lại kêu gọi số tiền đầu tư "khủng" khiến dàn "cá mập" trong chương trình đắn đo quan ngại.

Shark Bình thắc mắc về cách FIKA xác thực thông tin người dùng. Trái với suy đoán của nhiều người, Denise bất ngờ tiết lộ FIKA có khoảng 40 nhân viên làm việc thủ công để hoàn thành quy trình trên. Điều này khiến Shark Bình nghi vấn về hiệu suất công việc trong khi ngày nay, phần lớn việc xác minh ảnh trên giấy tờ tùy thân hoặc hộ chiếu đã được xử lý bằng thuật toán trí tuệ nhân tạo tự động.

Một vấn đề đáng quan tâm khác chính là doanh thu của FIKA. Theo chia sẻ của Shark Hùng Anh, được biết ứng dụng chưa tạo ra doanh thu nhưng lại định giá công ty lên đến 150 triệu USD thì liệu có quá tham lam. Trả lời cho câu hỏi này, Denise mượn dẫn chứng từ Tinder khi ứng dụng trên mất đến 2 năm để tạo ra doanh thu, còn những "ông lớn" khác như Facebook, Youtube, Twitter thì lâu hơn từ 3-5 năm.
Về phần Shark Liên, khi bà lo ngại về việc nhiều phụ nữ sử dụng ứng dụng bị lừa tiền, lừa tình thì Denise đã giới thiệu hệ thống quản lý APP cho phép người dùng tìm được đối tượng phù hợp nhất với mình. Tuy nhiên, Denise cũng thừa nhận "lỗ hỏng" lớn nhất chưa được cải thiện trong mô hình này chính là không thể kiểm định được người tham gia đã có vợ/chồng hay chưa nếu họ không khai báo.


Trước những điều bất cập trên, các "cá mập" đều quyết định từ chối đầu tư cho mô hình vì cho rằng có khá nhiều rủi ro. Shark Phú nhận định mô hình này không dễ kiếm tiền nhưng định giá đưa ra lại quá cao. Trong khi Shark Hưng thì thấy FIKA còn khá "non" để mang lên chương trình do công ty chưa tạo ra được doanh thu. Về phần Shark Bình, sau khi tính toán cặn kẽ, ông thẳng thắn chia sẻ đây là màn gọi vốn "ngáo giá" nhất trong suốt 5 mùa "Shark Tank Việt Nam" mà ông từng biết.