Trước diễn biến nguy hiểm của virus Marburg, UBND TP.HCM đã giao Sở Y tế phối hợp các đơn vị xây dựng kế hoạch, sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch Marburg xảy ra trên địa bàn, không để bị động.
Theo đó, mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chức của các nước tăng cường các biện pháp phòng chống với virus Marburg. Đây là loại virus vô cùng nguy hiểm, gây bệnh với tỷ lệ tử vong cao, lên đến 88%. Virus đã xảy ra ở 2 quốc gia và lan đến thủ đô của Guinea Xích đạo.
Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch Marburg, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế TP.HCM cũng được chỉ đạo tập trung giám sát những người nhập cảnh vào thành phố, đặc biệt là những người nhập cảnh từ các nước có dịch ở khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, điều tra dịch tễ.
Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, Sở Y tế phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, quản lý và xử lý, không để dịch bệnh lây ra ngoài cộng đồng. Đối với đội ngũ nhân viên y tế làm nhiệm vụ cũng cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo hộ cá nhân.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao cho Sở y tế phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp theo các tình hình, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, tránh để bị động. Các vật tư y tế, thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí cần chuẩn bị sẵn sàng để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị và phòng chống dịch khi xảy đến.
Đặc biệt, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt cao, đau đầu, khó chịu, và có thể tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết thì cần lập hồ sơ, điều tra dịch tễ, tiền sử tiếp xúc và lấy mẫu kịp thời.
Được biết, Marburg là một căn bệnh truyền nhiễm do virus Marburg gây ra. Nguồn gốc gây bệnh là từ loài dơi ăn quả. Bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người, lây từ người sang người thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp với màu, dịch tiết cơ thể của người bệnh. Những dịch tiết cơ thể bao gồm: mồ hôi, nước tiểu, nước bọt, sữa mẹ, chất nôn, tinh dịch…
Thời gian ủ bệnh là từ 2 cho đến 21 ngày. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt cao, đau đầu, khó chịu sau đó là đau bụng, tiêu chảy, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Bệnh hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh. Tính chất của bệnh vô cùng nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vọng cao. Bệnh được phân vào nhóm A trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.