Vụ đánh ghen tại Bình Dương mới đây đã khiến nhiều người xôn xao. Tuy nhiên, netizen cho rằng khả năng người vợ từ người không sai lại thành người có lỗi trong câu chuyện này.
Mới đây, mạng xã hội lại "dậy sóng" trước một đoạn clip ghi lại cảnh đánh ghen tàn khốc khi một nhóm người vây quanh một cô gái, có cảnh tượng lột đồ và cả nhiều tóc rơi vãi xung quanh. Vụ việc được một người dân ghi hình lại sau đó đăng tải lên mạng. Người này cho biết vụ đánh ghen xảy ra tại đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Một số người vào bình luận, cho biết có chứng kiến vụ việc và tiết lộ khi người đi đường vào can ngăn, nhóm người còn hù dọa và ngăn lại không cho tiến vào trong. Vì vậy một số người đã liên hệ với phía công an để thông báo về vụ việc.
Liên quan đến đoạn clip đánh ghen này, chiều 27/3, Công an phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết đang xác minh, làm rõ vụ việc. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện lãnh đạo UBND phường Phú Mỹ xác nhận vụ việc trên xảy ra tại địa bàn. Chia sẻ thêm, vị lãnh đạo cho biết khi công an đến hiện trường thì nhóm người đã rời đi, nạn nhân cũng không đến trình báo với công an phường.
Tuy nhiên, nhiều netizen vẫn bàn luận về vụ việc và cho rằng nếu nạn nhân trình báo thì "chính thất" hoặc những người đã tổ chức, tham gia vào vụ đánh ghen có thể trở thành người làm sai và phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.
Trên thực tế, trong rất nhiều vụ việc, có thể thấy người vợ đi lột đồ, cắt tóc tình địch được nhiều người xung quanh tung hô, nhất là các bà vợ đang muốn "dằn mặt" những ông chồng bội bạc và kẻ thứ ba. Theo báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM nhấn mạnh, xét trên khía cạnh pháp luật, người đánh ghen rất dễ vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Chánh , hành vi đánh ghen có thể tạm chia ra làm hai hình thức phổ biến là xúc phạm danh dự nhân phẩm như chửi bới, lăng mạ, lột quần áo người khác trước đám đông và xâm hại thân thể, sức khỏe, tính mạng nạn nhân như cắt tóc, đánh đập,...
Đối với hình thức đầu tiên, tuy không gây thương tích cho đối phương nhưng hành vi chửi bới, lăng mạ, lột quần áo... giữa nơi công cộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Người đánh ghen có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cũng theo Nghị định này, người đánh ghen nếu trực tiếp hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe, thân thể của người khác có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Nếu mức độ nghiêm trọng hơn thì người đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể là phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Ảnh: tổng hợp