Không ít người cho hay có cảm giác thường bị Facebook "nghe lén" khiến họ lo ngại nguy cơ bị đánh cắp thông tin, nguyên nhân vì sao?
Facebook là mạng xã hội vô cùng phổ biến hiện nay. Không chỉ dùng để trò chuyện với bạn bè hay để kết nối mà Facebook còn là nền tảng social vô cùng rộng lớn mà người dùng có thể thông qua đó để mua sắm hoặc tìm kiếm các dịch vụ liên quan.
Không ít người gặp tình trạng vừa nhắn tin hoặc nhắc đến một điều gì thì Facebook lập tức gợi ý rất nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này. Liên quan đến câu hỏi này, trang công nghệ PhoneArena cuối tuần qua, Jake Moore, cố vấn an ninh mạng toàn cầu của công ty bảo mật ESET với hơn 10 năm kinh nghiệm chống lại các mối đe dọa trực tuyến, cho biết: "Luật không cho phép Meta và các nền tảng Facebook, Instagram... nghe cuộc hội thoại của người dùng. Đến nay cũng chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học xác thực nào chứng tỏ họ đang nghe lén mọi người".
Về mặt kỹ thuật, chuyên gia này khẳng định điện thọai hoàn toàn có thể nghe và phản hồi người dùng. Đó là cách trợ lý giọng nói hoạt động một cách công khai và điện thoại sẽ nghe các từ khóa như "Hey Siri", "OK Google" để thực hiện theo lệnh của người dùng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện thoại không được phép chủ động nghe những điều người dùng nói. Họ không thể ghi lại cuộc trò chuyện để phân phối quảng cáo mục tiêu. Chưa kể việc này khiến điện thoại phải liên tục kích hoạt micro và gửi dữ liệu, khiến máy quá tải, nóng và nhanh cạn pin.
Theo các chuyên gia về bảo mật, Meta, Google và các tập đoàn công nghệ khác có khả năng thu thập một lượng lớn thông tin cụ thể về người dùng mà không cần thực hiện việc nghe trộm hoặc xâm nhập riêng tư của họ. Các thông tin bao gồm tuổi, giới tính, và tình trạng hôn nhân của người dùng, cũng như vị trí của họ và lịch sử di chuyển, danh sách bạn bè mà họ kết nối, sở thích và sự quan tâm của họ. Họ còn biết được người dùng đang tìm kiếm gì, xem nội dung nào, đã mua sản phẩm của nhãn hiệu nào, và đang theo dõi những chủ đề nào.
Những dữ liệu này có vẻ vô hại khi xem xét riêng lẻ. Tuy nhiên, các nền tảng này có khả năng ghép kết thông tin rời rạc thành một bức tranh toàn cảnh, tạo ra một hồ sơ chi tiết về từng người dùng. Sau đó, các đội ngũ quảng cáo tận dụng thông tin này để cá nhân hóa các gợi ý quảng cáo tới từng người dùng cụ thể. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo rằng mỗi quảng cáo được phân phát sao cho khả năng người dùng cuối cùng nhấp vào đó là cao nhất.