Lương hưu là chế độ ưu đãi dành cho bảo hiểm xã hội theo đúng quy định. Tuy nhiên, chuyên gia dự đoán đến năm 2030 sẽ có nhiều người không nhận lương hưu.
Theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP, kể từ tháng 7/2023, mức tiền nhận được từ lương hưu sẽ có sự điều chỉnh do sự gia tăng của mức lương cơ sở. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cập nhật báo cáo nhằm đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Theo số liệu thống kê hiện nay, số người hưởng lương hưu, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi là khoảng 5,1 triệu người, chiếm 35% so với số người sau độ tuổi nghỉ hưu trong xã hội. Đây là điều còn tồn đọng trong diện bao phủ đối tượng hưởng chính sách của bảo hiểm xã hội.
Trong số đó, có khoảng 2,7 triệu người Việt hưởng lương hưu, khoảng 630.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, khoảng 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hay còn gọi là trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, theo mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 28 - NQ/TW cho biết, xã hội cần phấn đấu để số lượng người nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội phải đạt khoảng 55% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030.
Thế nhưng việc số lượng người nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo chính sách bảo hiểm xã hội ít hơn so với dự kiến là do quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, pháp luật quy định người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phải có độ tuổi từ 80 tuổi trở lên - đây là mốc tuổi khá cao so với tuổi thọ của người Việt hiện nay.
Ngoài ra, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để đủ điều kiện nhận lương hưu kéo dài 20 năm dẫn đến nhiều người không kịp tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng đãi ngộ lương hưu và cũng không đủ điều kiện để nhận trợ cấp hưu trí.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, dự đoán Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu người Việt trong độ tuổi về hưu không được nhận lương hưu. Một phần cũng xuất phát từ tốc độ già hóa dân số xảy ra nhanh hơn so với tốc độ phát triển của nền kinh tế trong nước.
Ảnh: Tổng hợp