Những ngày qua, nhiều tỉnh thành phía Đông Bắc, Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ mưa bão. Thậm chí, đây được xem là trận bão kỷ lục trong 140 năm qua.
Từ cuối tháng 7/2023, bão số 2 hay còn gọi là bão Doksuri đã hình thành ở "ổ bão" Thái Bình Dương và di chuyển theo hướng Đông Bắc. Bắc Kinh và các tỉnh Đông Bắc (Trung Quốc) đã hứng chịu mưa bão lớn nhất trong 140 năm qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Theo Shao Sun - nhà khí hậu học ở Đại học California (Mỹ) phân thích , nguyên nhân khiến Trung Quốc gánh chịu thiên tai nặng nề là khi bão Doksuri kết hợp cùng áp cao nhiệt đới đẩy luồng hơi ẩm theo trục bắc nam ở miền đông Trung Quốc. Luồng hơi ẩm này bị dãy Thái Hành Sơn và Yên Sơn cản lại, hình thành mưa lớn cục bộ.
Trạm khí tượng ở quận Xương Bình (Bắc Kinh, Trung Quốc) ghi nhận lượng mưa lớn kỷ lục 744,8 mm. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1891 đến nay ở thủ đô đất nước tỷ dân. Ngoài ra, những huyện giáp Bắc Kinh như Lâm Thành (tỉnh Hà Bắc) cũng ghi nhận lượng mưa 1.003 mm, bằng tổng lượng mưa trong 2 năm qua.
Không chỉ ảnh hưởng của bão Doksuri, Trung Quốc còn hứng chịu cơn bão Khanun hình thành trên biển Hoa Đông cùng thời điểm. Bão Khanun tiếp tục đẩy lượng hơi ẩm khổng lồ đến miền bắc Trung Quốc dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan "chưa từng có" và có khả năng vượt qua sự giám sát, dự báo của cơ quan khí tượng nước này.
Với những con số thiệt hại nặng nề do thiên tai, ông Shao Sun tiết lộ, giai đoạn từ năm 1950-1970, vành đai mưa chủ yếu tập trung ở miền bắc Trung Quốc, từ năm 1980-1990, vành đai này có xu hướng dịch chuyển xuống phía nam. Cho đến đầu thế kỷ 21, vành đai mưa một lần nữa tập trung ở phía bắc. Ông Shao Sun nhận định, trận mưa bão này đã vượt qua kỷ lục của trận lụt năm 2012 từng khiến 79 người chết và 1,6 triệu người bị ảnh hưởng.
Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc gánh chịu thiệt hại mưa lũ nặng nề là do hệ thống dự báo, cảnh báo về khí tượng và thiên tai ở các địa phương chưa được chú trọng. Cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Thủy văn Nam Kinh - ông Zhang Jianyun cho rằng Trung Quốc nên tăng cường cơ chế dự báo mưa bão cực đoan để phòng tránh thiên tai.
Ông Zhang Jianyun nói rằng, nhiều trạm thủy văn ở các vùng nông thôn có điều kiện vô cùng tồi tàn. Khi lũ xuất hiện, những trạm này có thể bị cuốn trôi bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến thiết bị quan trắc và công tác báo cáo thông tin, cảnh báo người dân.
Ngoài ra, trong quá phát triển đô thị, Bắc Kinh đã bị đô thị hóa quá nhanh, xóa sổ nhiều vùng trũng thấp ở Bắc Kinh - địa thế vốn dĩ giúp giảm nguy cơ ngập lụt khi có bão lũ xuất hiện. Hệ thống thoát nước ở thành phố không theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của đô thị, dẫn đến khi lượng lớn nước lũ kéo về thì hệ thống thoát nước không xử lý kịp, dẫn đến ngập lụt cục bộ.