Một trường hợp ở Phú Yên dù đã mất 7 năm nhưng vẫn nhận lương hưu đầy đủ. Đến khi phát hiện, số tiền nhận đã lên đến gần 400 triệu đồng.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên, trường hợp của bà H. (tên nhân vật đã bị thay đổi) trú tại TP. Tuy Hòa khiến nhiều người khó hiểu. Nguyên nhân do bà H. thuộc diện hưởng lương hưu hàng tháng và nhận tiền qua tài khoản cá nhân, chi trả tiền lương qua bưu điện khu vực.
Bà H. qua đời vào ngày 29/1/2016, tuy nhiên trong hồ sơ cá nhân Bảo hiểm Xã hội của bà H. vẫn không cập nhật thông tin này. Gia đình bà H. chỉ đến UBND phường để báo tử mà không khai báo với cơ quan làm thủ tục xét Bảo hiểm xã hội để nhận mai táng phí và tuất một lần. Chính vì vậy trong vòng 7 năm qua, bà H. vẫn đều đặn nhận lương hưu qua tài khoản.
Mới đây, khi thực hiện mã định danh công dân, cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Yên mới phát hiện ra sự thật này. Từ tháng 2/2016 đến tháng 6/2023, bưu điện đã chuyển tổng cộng 89 tháng lương hưu với số tiền mỗi tháng bà H. nhận được là 4,4 triệu đồng. Tổng số tiền mà suốt 7 năm qua bà H. nhận đã lên đến 392,2 triệu đồng kèm với 2,8 triệu đồng quà Tết của UBND tỉnh.
Sau khi phát hiện, tài khoản của bà H. đã thâm hụt số tiền hơn 150 triệu đồng so với khoản tiền mà bưu điện đã chi trả. Nguyên nhân do người thân bà H. rút ra sử dụng. Khi làm việc với thân nhân của trường hợp trên, con trai bà H. đồng ý làm thủ tục thanh toán mai táng phí, tiền tuất một lần cho mẹ, đồng thời trả lại khoản tiền mà bưu điện đã chi vượt.
Trên thực tế, bà H. không phải trường hợp duy nhất hưởng lương hưu dù đã qua đời. Trước đó, ở địa bàn TP.HCM có hơn 251.000 người hưởng lương hưu và có nhiều trường hợp bị phát hiện tương tự phải truy thu. Lý do là vì người hưởng lương hưu chuyển sang ở địa phương khác, qua đời nhưng người thân không báo tử tại nơi đăng ký thường trú hoặc do người hưởng lương hưu đi nước ngoài... Chính vì vậy bưu điện, cán bộ địa phương không thể kiểm soát.
Để giải quyết vấn đề này, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM trước đây từng yêu cầu người nhận hưu trí qua tài khoản ngân hàng hoặc ủy quyền định kỳ 6 tháng phải đến cơ quan Bảo hiểm Xã hội gần nhất để xác định đủ điều kiện hưởng. Tuy nhiên, chính sách trên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì người dân cho rằng cơ quan bảo hiểm xã hội làm khó người dân, ngành bảo hiểm không có quyền ra văn bản yêu cầu người dân trình báo. Chính vì vậy yêu cầu trên đã bị bãi bỏ không lâu sau đó.