Trước khi hỏa táng, xe chở linh cữu của bác sĩ Văn Tần đã chạy ngang Bệnh viện Bình Dân để các y bác sĩ khác nói lời tiễn biệt người thầy thuốc kỳ cựu.
Theo thông tin gia đình thông báo, ngày 4/9, GS.TS.BS Văn Tần đã từ trần do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi. Sáng ngày 7/9, linh cữu của bác sĩ Văn Tần đã được gia đình đưa đi hỏa táng. Trước khi về miền vĩnh hằng, xe chở linh cữu của người thầy thuốc đáng kính đã chạy ngang Bệnh viện Bình Dân - nơi bác sĩ làm việc thuở sinh thời để các y bác sĩ khác nói lời tiễn biệt.
Được biết, bác sĩ Văn Tần đã làm việc và gắn bó với Bệnh viện Bình Dân từ năm 1972 - nơi được xem là "chiếc nôi ngành ngoại khoa" của TP.HCM và khu vực phía Nam. Những ngày trước khi qua đời, bác sĩ Văn Tần vẫn đến Bệnh viện Bình Dân mỗi ngày.
Trong lòng những người ở lại, bác sĩ Văn Tần nổi tiếng là vị giáo sư tài hoa, tận tụy, hết lòng vì công việc và bệnh nhân. Ông từng giải thích về việc ra vào bệnh viện từ 5 giờ sáng là điều vô cùng cần thiết vì "nó giúp nắm được tình hình mổ trong ngày của bệnh nhân, biết được sau ca mổ bệnh nhân có khá hơn hay không, có tử vong hay biến chứng gì khác".
Bác sĩ Văn Tần sau khi thăm khám sẽ ghi chép cẩn thận những thông tin quan trọng về từng ca bệnh, nếu có ca bệnh khó sẽ đọc thêm sách để tìm hiểu và đưa ra bàn bạc trong các cuộc họp giao ban. Theo bác sĩ Văn Tần lý giải, nếu bác sĩ đến bệnh viện vào 7 giờ sáng thì sẽ không có đủ thời gian để làm những việc này.
Trong suốt cuộc đời của một người lương y, bác sĩ Văn Tần đã trực tiếp phẫu thuật hơn 30.000 ca mổ phức tạp, đảm nhận công việc giảng viên ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP.HCM. Một trong những ca phẫu thuật nổi tiếng của bác sĩ Văn Tần là tham gia làm phẫu thuật viên cùng giáo sư Trần Đông A, giáo sư Trần Thành Trai trong ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh Việt - Đức năm 1988.